Mức tăng 6% đã được 16 thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất sau hai phiên thương lượng trong năm 2023. Mức này dựa trên bối cảnh thị trường lao động cùng GDP năm 2023 dù chưa khởi sắc như kỳ vọng, song bình quân mỗi tháng hơn 18.300 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường, cao hơn số rút lui. Đơn hàng của doanh nghiệp quý sau cao hơn quý trước.
Mức lương tối thiểu tháng được đề xuất tăng 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng. Nếu được thông qua, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 là 3,45 triệu. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng.
Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.
Hội đồng Tiền lương quốc gia kiến nghị tăng từ ngày 1/7 để đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công và đủ thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị nguồn tài chính. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai trong bốn năm lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7, sau kỳ điều chỉnh hồi 1/7/2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường tăng vào ngày 1/1.
Thống kê năm 2023, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam đạt 7,1 triệu đồng mỗi tháng, tăng 459.000 đồng (6,9%) so với cùng kỳ 2022. Ba tháng cuối năm, lao động nghỉ giãn việc, mất việc tiếp tục giảm so với quý III/2023. Trong đó, lao động mất việc còn 85.000 người, giảm gần 33.000 người; người nghỉ giãn việc còn 77.800 người, giảm hơn 187.000 người.
Hồng Chiêu