Trong cuộc họp báo chiều 7/10 công bố lộ trình điều chỉnh giá bán điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, sẽ có sự điều chỉnh trong năm 2009. Mức tăng bao nhiêu và thời điểm nào, các bộ ngành đang cân nhắc trên cơ sở chi phí đầu vào, khâu phân phối điện, nhu cầu sử dụng, chỉ số CPI và khả năng chấp nhận được của các hộ gia đình.
Theo ông, lộ trình điều chỉnh giá điện đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 và đợt tăng giá trong năm 2009 là bước đệm để tiến tới thị trường điện cạnh tranh. Giống các mặt hàng khác, khi giá cả đã trả về cho thị trường điều tiết thì hằng năm, cơ quan chức năng sẽ tính toán lại giá bán dự trên chi phí đầu vào, giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, CPI...
EVN: "Tăng giá điện là bất khả kháng". Ảnh: Hoàng Hà. |
Về phương án tăng giá điện bình quân quân từ 860 đồng lên 1.017 đồng cho mỗi kWh mà EVN soạn thảo, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng mức giá này không phải là phương án cuối cùng và chưa phản ánh đúng thực tế chi phí mà EVN đang phải gánh.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Nếu tăng giá EVN có đảm bảo cung ứng đủ điện hay không thì cả lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN đều không dám chắc.
Phó tổng giám đốc EVN - Nguyễn Mạnh Hùng cho hay hiện nay chi phí đầu vào tăng cao nên sản xuất điện gần như không có lãi. Do vậy, việc điều chỉnh giá bán là không thể đừng và lộ trình này đã được Chính phủ phê duyệt từ trước và lẽ ra phải được thực hiện từ tháng 7/2008.
Theo lãnh đạo EVN, thiếu vốn đầu tư dẫn đến các dự án điện phải chậm tiến độ và hiển nhiên thiếu điện là việc bất khả kháng. Thông báo mới nhất mà EVN phát đi hồi đầu tháng 10, hiện hệ thống điện của EVN đang vận hành trong tình trạng thiếu công suất, khoảng 500-1.400 MW ở các giờ cao điểm. Do vậy, đến hết tháng 10, việc cắt điện ở một số nơi vẫn có thể xảy ra.
EVN cho hay dù đang mùa mưa lũ, nắng nóng không còn gay gắt nhưng nguồn điện trong tháng 9 tiếp tục gặp khó khăn. Nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao, sản lượng trung bình ngày khoảng 220 triệu kWh, công suất đỉnh khoảng 12.200 - 12.500 MW. Trong khi đó, tổng công suất khả dụng của hệ thống chỉ đạt mức 11.100 - 11.700MW do các nguồn điện lớn ngừng sửa chữa hoặc không vận hành. Các nhà máy thủy điện Đa Mi, nhiệt điện Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 2.1; nhiệt điện Phả Lại đang trong quá trình bảo dưỡng trong khi nhiệt điện Cà Mau 2, Nhơn Trạch vận hành thử nghiệm...
Ở miền Bắc, từ đầu tháng đến nay, các nhà máy thủy điện sẽ phải tích nước để chuẩn bị cho mùa khô 2009. Do vậy, hệ thống điện vẫn phải vận hành trong tình trạng thiếu công suất ở giờ cao điểm sáng (từ 9 giờ đến 11 giờ) và cao điểm tối (từ 18 giờ đến 21 giờ).
Hồng Anh