"Một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới tên Hwasong-18 đã được phóng thử ngày 13/4", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin hôm nay.
Theo KCNA, mục đích vụ phóng là xác nhận hiệu quả của động cơ nhiên liệu rắn đa tầng hiệu suất cao, công nghệ tách tầng và độ tin cậy của các hệ thống kiểm soát. Ngoài ra, hiệu quả quân sự của hệ thống vũ khí chiến lược mới cũng được xem xét trong vụ phóng.
Khi chỉ đạo vụ phóng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng ICBM mới sẽ tăng cường đáng kể năng lực phản công hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hình ảnh trên truyền thông cho thấy ông Kim Jong-un cùng con gái mỉm cười theo dõi tên lửa sơn hai màu đen trắng rời bệ phóng, cho thấy vụ thử thành công.
Hàn Quốc ngày 13/4 cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tầm xa ra vùng biển phía đông bán đảo. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa đã bay khoảng 1.000 km và gọi đây là "hành động khiêu khích nghiêm trọng". Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nhận định Triều Tiên dường như đã phóng loại tên lửa đạn đạo mới, "có thể sử dụng nhiên liệu rắn", công nghệ từ lâu đã là mục tiêu cho các chương trình vũ khí bị cấm của Bình Nhưỡng.
Các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn dễ vận chuyển và lưu trữ, ổn định và triển khai nhanh hơn so với sử dụng nhiên liệu lỏng, do đó sẽ khó để phát hiện và tấn công phủ đầu hơn.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang xuống thấp nhất nhiều năm liên quan đến các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Triều Tiên năm 2022 tuyên bố là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "không thể đảo ngược".
Mỹ và Hàn Quốc gần đây tăng cường hợp tác quốc phòng để ứng phó, tổ chức các cuộc tập trận chung, trong đó sử dụng nhiều khí tài chiến lược của Washington. Triều Tiên coi đây là "những động thái leo thang nhằm phát động cuộc chiến tranh xâm lược", cảnh báo đáp trả.
Như Tâm (Theo AFP, Yonhap)