"Dựa theo luật pháp, Triều Tiên quyết định trục xuất Travis King, binh sĩ Mỹ đã xâm phạm trái phép lãnh thổ Triều Tiên", hãng thông tấn trung ương KCNA đưa tin ngày 27/9, song không nêu cụ thể thời gian và địa điểm thả người này.
KCNA nhắc lại tuyên bố hồi tháng trước rằng King "vỡ mộng về xã hội bất bình đẳng của Mỹ" và đã vượt biên vì "sự ngược đãi vô nhân đạo và phân biệt chủng tộc trong quân đội Mỹ".
Các quan chức Mỹ sau đó xác nhận với Reuters rằng King đang bị giới chức Mỹ giữ sau khi Triều Tiên trục xuất anh này sang Trung Quốc.
Binh nhì King, đồn trú ở Hàn Quốc, hôm 18/7 bị dẫn giải về Mỹ chịu kỷ luật vì có các hành động gây gổ, hành hung, phá hoại xe cảnh sát. Tuy nhiên, sau khi được hai sĩ quan áp giải qua cửa an ninh sân bay, King đã lẻn ngược trở lại và nhập vào một đoàn du khách tới Khu An ninh Chung (JSA) ở biên giới Hàn - Triều rồi vượt biên sang Triều Tiên.
Bình Nhưỡng hôm 16/8 xác nhận họ đang giữ King và anh này muốn xin tị nạn vì "bị ngược đãi trong quân đội". Lầu Năm Góc khi đó nói rằng không thể xác thực các bình luận được cho là của King mà truyền thông Triều Tiên đăng tải.
Cuộc vượt biên của King diễn ra khi căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang tăng cao. Quan hệ Hàn - Triều đình trệ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần kêu gọi tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc và Mỹ cũng tăng hợp tác quốc phòng để đáp trả, tổ chức các cuộc diễn tập chung với sự tham gia của các khí tài Mỹ tiên tiến.
King, người nhập ngũ vào tháng 1/2021, là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982. Trường hợp nổi tiếng nhất là trung sĩ Charles Jenkins vào năm 1965, đào tẩu với lý do trốn tránh nhiệm vụ nguy hiểm. Trong vài thập kỷ, Jenkins dạy tiếng Anh cho binh lính Triều Tiên, xuất hiện trong các tờ rơi và phim tuyên truyền. Cuối cùng, Jenkins được đến Nhật, quê của vợ ông, vào năm 2004 và qua đời tại đây năm 2017.
Ngọc Ánh (Theo Yonhap, Reuters)