Trong bản đánh giá gửi Liên Hợp Quốc về các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, Triều Tiên lần đầu thừa nhận sản lượng lương thực nước này đã giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2018. Nguyên nhân được cho là "thiên tai và khả năng chống chịu kém, cũng như không đủ vật liệu canh tác, cơ giới hóa thấp".
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng cáo buộc các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc là một phần nguyên nhân khiến nước này gặp khó khăn. "Những rào cản chính ngăn Triều Tiên đạt được sự phát triển bền vững bao gồm cả lệnh trừng phạt kéo dài", báo cáo trình lên Liên Hợp Quốc có đoạn viết.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 kêu gọi giải quyết tình hình lương thực "đáng lo ngại" của đất nước do ảnh hưởng từ do Covid-19 và các trận bão năm ngoái. "Tình hình lương thực đang trở nên đáng lo ngại, khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão năm ngoái", ông nói.
Kim Jong-un đầu năm cũng thừa nhận kế hoạch kinh tế 5 năm trước đó đã thất bại trong hầu như mọi lĩnh vực, giữa bối cảnh tình trạng thiếu lương thực và thiếu điện ngày càng trầm trọng vì các lệnh trừng phạt, đại dịch và thiên tai.
Liên Hợp Quốc dự báo Triều Tiên thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay và nước này có thể trải qua "giai đoạn đói kém cùng cực" từ tháng tới.
Triều Tiên vốn chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế do chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực triền miên. Dù tuyên bố chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, nước này vẫn áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa biên giới.
Ngọc Ánh (Theo Bloomberg)