Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Paul Selva cho rằng Triều Tiên hiện chưa đạt được tiến bộ trong công nghệ hồi quyển và hệ thống kích hoạt tên lửa theo lệnh, vốn là hai yếu tố then chốt trong việc phát triển ICBM, Yonhap ngày 10/8 đưa tin.
Theo quan chức Mỹ, việc Triều Tiên chưa thể hoàn thiện hai công nghệ này là do lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã chỉ đạo ngừng các vụ thử tên lửa để thúc đẩy tiến trình đàm phán ngoại giao với Mỹ, sau khi ký thỏa thuận chung hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ và Hàn Quốc trong năm 2017 cũng nhận định Triều Tiên phải mất ít nhất 2-3 năm nữa mới có thể sở hữu công nghệ hồi quyển cho tên lửa, dù nước này đang tiến rất nhanh trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên ICBM.
Công nghệ hồi quyển giúp đầu đạn của tên lửa đạn đạo chịu được nhiệt độ và áp suất cực cao trong giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển và ma sát với không khí. Nếu công nghệ hồi quyển không tốt, đầu đạn tên lửa có thể bị chệch hướng hoặc vỡ tan trong quá trình lao xuống đất.
Dư luận thế giới gần đây ngày càng quan ngại về tình hình bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa "hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên như cam kết tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 giữa Trump và Kim Jong-un.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm qua khẳng định Washington và Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên kết nối, trao đổi thông tin song các cuộc đối thoại này đều không mang lại kết quả.
Hàng loạt báo cáo những tuần gần đây cho thấy Triều Tiên khước từ thời gian biểu phi hạt nhân hóa do Mỹ đưa ra, khi vẫn tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng, tăng cường sản xuất nhiên liệu hạt nhân, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại một trung tâm nghiên cứu hạt nhân, đồng thời mở rộng một cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn.