"Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gần đây bày tỏ mong muốn gặp Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong thời gian sớm nhất có thể", bà Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho biết trong tuyên bố ngày 25/3.
Bà Kim Yo-jong nhấn mạnh mục tiêu cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nhật Bản có thể đưa ra quyết định chính trị thực chất hay không.
"Không phải cứ Thủ tướng Kishida muốn gặp lãnh đạo đất nước chúng tôi là có thể gặp", bà cho hay. "Điều rõ ràng là khi Nhật Bản đối địch Triều Tiên và vi phạm quyền chủ quyền của đất nước chúng tôi, họ sẽ bị coi là kẻ thù và trở thành mục tiêu".
Bà Kim tháng trước cho biết Bình Nhưỡng và Tokyo có thể cùng nhau "mở tương lai mới", tùy thuộc vào hành động của Nhật, trong đó có hòa giải căng thẳng từ cáo buộc "bắt cóc công dân". Theo bà, "không có lý do gì để hai nước không trở nên thân thiết" và "Thủ tướng Nhật Bản có thể thăm Bình Nhưỡng một ngày nào đó".
Thủ tướng Nhật trước đó nói ông cảm thấy cần thay đổi mối quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshimasa Hayashi cũng nhấn mạnh Thủ tướng Kishida mong muốn đàm phán, hướng tới hiện thực hóa tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un.
Loạt vụ bắt cóc công dân nhiều thập kỷ trước vẫn là vấn đề nhức nhối ở Nhật Bản và là nguồn cơn gây căng thẳng quan hệ với Triều Tiên. Nhật Bản cáo buộc điệp viên Triều Tiên bắt cóc 17 công dân nước này trong giai đoạn 1977-1983, được cho là để về dạy tiếng Nhật cho các học viên trường tình báo.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng năm 2002 chỉ thừa nhận bắt cóc 13 người và đã cho phép 5 người trở về đoàn tụ với gia đình, 8 người khác đã chết. Triều Tiên nói rằng 4 người còn lại chưa từng bước chân vào nước này và khẳng định vấn đề bắt cóc đã được giải quyết xong.
"Nếu Nhật Bản cố can thiệp việc chúng tôi thực hiện quyền chủ quyền như hiện nay và kiên quyết chú tâm đến vấn đề bắt cóc mà chúng tôi không biết hoặc không cách nào giải quyết, thì kế hoạch họp thượng đỉnh của Thủ tướng Kishida chẳng khác nào chỉ nhằm tạo dựng danh tiếng", bà Kim Yo-jong nói.
Theo bà, nếu Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ hai nước và trở thành láng giềng thân thiết để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực, Tokyo "cần phải có can đảm chính trị để đưa ra những lựa chọn chiến lược phù hợp với lợi ích quốc gia của họ".
Sau tuyên bố của bà Kim Yo-jong, Thủ tướng Kishida cho biết các cuộc đàm phán cấp cao nhất với Triều Tiên đóng vai trò "quan trọng để giải quyết các vấn đề, như bắt cóc công dân". "Đây là lý do chúng tôi đã thực hiện nhiều cách tiếp cận đối với Triều Tiên ở cấp độ trực tiếp", ông nói.
Năm 2002, thủ tướng Nhật Bản khi đó là Junichiro Koizumi có chuyến thăm bước ngoặt tới Bình Nhưỡng, gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, bố của ông Kim Jong-un.
Hai lãnh đạo đã vạch đường lối bình thường hóa quan hệ hai nước, trong đó Tokyo sẽ trợ cấp kinh tế cho Bình Nhưỡng, cũng như hồi hương 5 công dân Nhật. Nhưng chính sách ngoại giao song phương này nhanh chóng đổ vỡ, do Tokyo cáo buộc Bình Nhưỡng không minh bạch về các nạn nhân bị bắt cóc.
Thủ tướng Kishida năm 2023 tỏ mong muốn gặp ông Kim "vô điều kiện", khẳng định sẵn sàng giải quyết mọi mâu thuẫn, trong đó có các vụ bắt cóc.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)