Các sĩ quan quân đội Triều Tiên hô vang khẩu hiệu trong một cuộc mít tinh ở quảng trường Kim Nhật Thành. Ảnh minh họa: AP. |
Hãng thông tấn trung ương KCNA đưa tin, Tòa án tối cao Triều Tiên kết án 15 năm tù lao động khổ sai đối với Pae Jun-Ho do có "hành động thù địch" chống lại chính quyền Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Triều Tiên không đưa ra những bằng chứng cụ thể trong vụ này.
Pae Jun-Ho, còn được biết đến với tên Kenneth Bae, 44 tuổi, là một nhà tổ chức du lịch người Mỹ gốc Hàn. Pae bị bắt vào tháng 11 năm ngoái khi nhập cảnh vào thành phố đông bắc Rason, gần biên giới giữa Triều Tiên với Nga và Trung Quốc. Tại phiên điều trần, Pae đã thừa nhận hành vi chống phá của mình nhằm lật đổ nhà nước Triều Tiên.
Sau khi Pae bị kết án, Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên phóng thích cho Pae vì "lý do nhân đạo". Quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói: "Sức khỏe của công dân là một ưu tiên quan trọng hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên phóng thích ngay cho công dân Kenneth Bae vì lý do nhân đạo".
Nhà chính trị Mỹ Bill Richardson, cựu thống đốc bang New Mexico, đồng thời là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, từng thất bại trong việc giúp Pae được phóng thích khi ông tới Triều Tiên hồi đầu năm cùng chủ tịch của hãng Google, Eric Schmidt. Chuyến đi của ông Richardson bị cho là không đúng lúc do nó được thực hiện ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa hồi tháng 12/2012.
Giới chức Mỹ cho rằng Pae nhập cảnh vào Triều Tiên với một visa hợp lệ, và bày tỏ lo ngại Triều Tiên sẽ lấy Pae làm "lá bài mặc cả chính trị" với Mỹ.
Các chuyên gia tin rằng, Triều Tiên sẽ dùng Pae để yêu cầu sự nhượng bộ từ Mỹ. AFP dẫn lời Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul, nói: "Triều Tiên chắc chắn sẽ tận dụng lợi thế trong sự việc của Kenneth Bae để mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay không giống với những vụ bắt giữ công dân Mỹ từng xảy ra trong quá khứ. Tình hình ngoại giao và quân sự quá căng thẳng để Mỹ có thể thay đổi lập trường hoặc cố gắng đàm phán với Triều Tiên chỉ để cứu công dân này".
Những năm gần đây, nhiều công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ. Tuy nhiên sau đó, chính quyền Mỹ đã đạt được những thành công trong việc bảo lãnh và thương lượng nhằm trả tự do cho những công dân này.
Năm 2009, cựu tổng thống Bill Clinton đã giúp phóng thích hai phóng viên truyền hình Laura Ling và Euna Lee, bị bắt giữ khi lang thang ở khu vực biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Năm 2010, cựu tổng thống Jimmy Carter cũng thương lượng thành công trong việc trả tự do cho công dân Mỹ Aijalon Mahli Gomes, người lĩnh án 8 năm tù lao động do đột nhập trái phép từ Trung Quốc vào Triều Tiên.
Tới năm 2011, một phái đoàn Mỹ do Robert King, đại sứ đặc mệnh về Các vấn đề Quyền và Nhân đạo, đã bảo lãnh cho Eddie Jun Yong-Su, một doanh nhân ở California bị bắt vì có các hoạt động truyền giáo, được tự do.
Thu Hằng