"Các khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng dường như đã đạt được một cấp độ đáng kể", hãng tin Yonhap trích dẫn đánh giá trong sách trắng quốc phòng do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố. "Triều Tiên được cho là thu được 40 kg plutonium cấp độ vũ khí từ việc tái chế những thanh nguyên liệu hạt nhân và đang triển khai chương trình làm giàu uranium cấp độ cao".
Sách trắng Hàn Quốc năm 2014 tiếp tục cho rằng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tạo ra những mối đe dọa tới cả trong cũng như ngoài khu vực. Đây cũng là lần đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phân tích công nghệ trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sách trắng trước đó chỉ mô tả lại hai lần Bình Nhưỡng thử nghiệm nổ dưới lòng đất vào năm 2006 và 2009.
Triều Tiên hiện vẫn chưa công bố khả năng thu nhỏ đầu đạn dù nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ, Hàn Quốc nói Bình Nhưỡng có công nghệ chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
"Chúng tôi không có thông tin tình báo nào chứng tỏ Triều Tiên hoàn thiện quá trình thu nhỏ. Cần phải mất từ hai đến 7 năm để làm chủ công nghệ trên và đã 8 năm trôi qua kể từ khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu, Bình Nhưỡng có thể đã đạt được cấp độ đáng kể trong thu nhỏ đầu đạn", một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.
Seoul còn cho rằng Bình Nhưỡng "sở hữu (tên lửa) khả năng đe dọa Mỹ và đã bắn thử tên lửa tầm xa 5 lần". Đánh giá này dựa trên việc Bình Nhưỡng phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa tầm xa Unha-3 hồi tháng 12/2012, quan chức trên nói, đồng thời cho biết loại tên lửa tầm xa Taepodong-2 có tầm bắn lên đến 10.000 km.
Trong động thái nhằm tăng cường phòng thủ dọc biên giới và bảo vệ các cơ sở quân sự, Triều Tiên còn thành lập một đơn vị quân đội quy mô cỡ quân đoàn ở tỉnh Bắc Hamkyong theo chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Việc này nâng tổng số quân đoàn chính quy của Triều Tiên lên 10.
Đến tháng 10/2014, Triều Tiên có 1,2 triệu quân nhân chính quy, tăng thêm 10.000 người so với hai năm trước đó, trong khi lực lượng này ở Hàn Quốc là 630.000 người. Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường quân lực bằng việc chế tạo thêm phương tiện bọc thép, bệ phóng tên lửa, tàu chiến và được cho là đang phát triển loại tàu ngầm mới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Seoul tiếp tục định nghĩa Bình Nhưỡng là "kẻ thù" trong sách trắng bởi quốc gia này tạo ra "những mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh Hàn Quốc". Hàn Quốc từng từ bỏ định nghĩa trên vào năm 2004, sau 10 năm sử dụng, và dùng nó trở lại khi Triều Tiên có hành động quân sự khiêu khích vào năm 2010, trong đó có vụ chìm tàu hải quân Cheonan làm 46 thủy thủ thiệt mạng và nã pháo vào đảo Yeonpyeong tại biên giới trên biển phía tây làm 4 người chết.
Bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi Seoul và Bình Nhưỡng chỉ ký hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình, để chấm dứt cuộc chiến hai miền 1950 - 1953.
Như Tâm