Triều Tiên "được cho là đã hoàn thành quá trình xây dựng kiểu tàu ngầm mới sau khi nhập khẩu một tàu ngầm diesel lớp Golf từ thời Xô Viết rồi cải tiến nó", hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên cho hay. Tàu ngầm lớp Golf trên được đóng vào năm 1958 và ngừng hoạt động từ năm 1990.
"Tàu ngầm mới dài 67 m, chỗ lớn nhất rộng 6,6 m và lượng giãn nước khi lặn khoảng 3.000 tấn", nguồn tin cho biết thêm, nhắc đến một báo cáo trên 38 North, trang web của Viện Mỹ - Hàn thuộc Đại học John Hopkins chuyên về Triều Tiên. "Tàu mới của Triều Tiên chính là 'tàu ngầm không xác định' neo tại xưởng đóng tàu Nam Sinpo được 38 North phát hiện qua ảnh vệ tinh và đưa tin tháng trước".
Nam Sinpo, ở tỉnh Nam Hamgyong, là xưởng chính sản xuất các bộ phận cho tàu ngầm Triều Tiên. Đây cũng là trụ sở của Viện Nghiên cứu Hàng hải thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển các tàu, tàu ngầm cũng như vũ khí, tên lửa cho hải quân.
Trước đó, 38 North còn cho rằng Bình Nhưỡng đã xây dựng một cơ sở thử nghiệm mới ở gần xưởng Nam Sinpo để nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Dù xuất hiện hàng loạt báo cáo về việc Triều Tiên phát triển loại tàu ngầm mới, giới quân sự Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được công nghệ sản xuất SLBM. Tàu ngầm lớp Golf của Nga sử dụng R-21 SLBM, loại tên lửa một tầng nhiên liệu lỏng mang đầu đạn nặng 1.180 kg và có tầm bắn tối đa 1.420 km.
Triều Tiên có số lượng tàu ngầm nhiều hơn hẳn so với Hàn Quốc nhưng chúng được trang bị các vũ khí lỗi thời. Ước tính Bình Nhưỡng đang sở hữu khoảng 70 tàu ngầm, trong đó có 20 chiếc thuộc lớp Romeo, có lượng giãn nước 1.800 tấn. Trong khi đó, Seoul đang lên kế hoạch đưa 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo giãn nước 3.000 tấn vào hoạt động vào năm 2020, tăng khả năng chống ngầm sau khi xảy ra vụ chìm tàu chiến Cheonan năm 2010 làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.
Như Tâm