Nỗ lực ngoại giao kéo dài hai năm qua giữa Mỹ và Triều Tiên liên tiếp chứng kiến những dấu hiệu xấu cuối tuần qua. Đầu tiên là tuyên bố của đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song cho biết Bình Nhưỡng không còn đàm phán hạt nhân với Washington, khẳng định Triều Tiên không cần những cuộc thảo luận lê thê.
Tình hình trở nên xấu đi khi Viện Khoa học Quốc gia Triều Tiên thông báo đã thực hiện "vụ thử rất quan trọng" tại bãi phóng Sohae (còn gọi là Tongchang-ri), địa điểm Kim đồng ý đóng cửa trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Trump tại Singapore vào tháng 6/2018. Ông cũng lặp lại cam kết này tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9/2018.
Harry J. Kazianis, giám đốc Nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, cho rằng các tuyên bố này của Triều Tiên thể hiện tư duy của Bình Nhưỡng rằng họ có thể gây sức ép ngược với chính quyền Trump trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đang đối mặt với "bão luận tội" ở Hạ viện. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo tính toán của Bình Nhưỡng có thể là sai lầm nghiêm trọng, đặc biệt là với người như Trump.
"Tìm cách bắt nạt Washington để họ nhượng bộ, cho rằng Trump đã bị suy yếu và rất cần một thỏa thuận, là lối tư duy ngớ ngẩn", Kazianis viết. "Trên thực tế, trò đánh cược này của Bình Nhưỡng có nguy cơ rất cao nổ tung trước mặt họ".
Sau những lời đe dọa của Triều Tiên, Trump, người thường tìm cách hạ mức độ nghiêm trọng của những động thái từ Bình Nhưỡng, hôm qua "đổi giọng" khi đăng một phát ngôn mạnh mẽ lên Twitter.
"Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un có tiềm năng kinh tế to lớn, nhưng họ phải phi hạt nhân hóa như đã hứa. Kim Jong-un quá thông minh và có quá nhiều thứ để mất, thực tế là tất cả, nếu ông ấy hành động theo cách thù địch", Trump viết.
Bình Nhưỡng không nói rõ thử nghiệm được thực hiện ở bãi phóng Sohae là gì. Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định nước này khả năng cao đã thử nghiệm một loại động cơ mới cho tên lửa đạn đạo tầm xa. Do Triều Tiên không đưa ra mô tả hoặc công bố hình ảnh như trước đây, chưa rõ vụ thử có thành công hay không.
Giới chuyên gia cho biết nếu Bình Nhưỡng thực sự đã thử nghiệm động cơ như họ dự đoán, đây có thể là lời cảnh báo rằng Kim Jong-un đang xem xét tiến hành trở lại các vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa. Động thái này, cùng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn và những phát ngôn cứng rắn từ giới chức Triều Tiên, được cho là dấu hiệu Kim đang dần mất kiên nhẫn trong chính sách với Mỹ.
"Triều Tiên tới nay vẫn tránh những vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, họ đang nâng cấp động cơ và độ chính xác của các tên lửa để có thể đặt ra mối đe dọa hạt nhân đáng tin cậy", Leif-Eric Easleu, phó giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, cho hay.
"Chính quyền Kim biết rằng các vệ tinh giám sát của Mỹ đang theo dõi họ. Vì vậy, thông qua hoạt động tại bãi thử Sohae, Bình Nhưỡng còn đang tìm cách khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khả năng họ tăng cường khiêu khích và quay lưng với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vào năm sau", chuyên gia giải thích.
Kazianis cho rằng Triều Tiên khó có đủ thời gian để tiến hành một vụ thử hạt nhân trong thời gian ngắn. Bởi vậy, nếu Kim Jong-un hoàn toàn mất kiên nhẫn với Mỹ, ông có thể ra lệnh phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thứ vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân vốn bị Washington coi là mối đe dọa hàng đầu.
Nhà Trắng trong khi đó thể hiện thái độ quyết liệt với động thái mới của Triều Tiên. "Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un đang có một lựa chọn", một quan chức cấp cao giấu tên Nhà Trắng nói. "Họ có thể quay lại bàn đàm phán và thảo luận với chúng tôi về con đường hướng tới phi hạt nhân hóa, hoặc họ có thể gia tăng căng thẳng. Nhưng đừng phạm sai lầm nào, một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa sẽ là một sai lầm".
Bất chấp việc Trump nỗ lực cứu vãn quan hệ với Kim bằng các cuộc gặp và "những lá thư tốt đẹp", giới chức Nhà Trắng thừa nhận rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ hoàn toàn. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, cuộc gặp bất ngờ giữa hai lãnh đạo tại biên giới liên Triều, cùng nhiều cuộc thảo luận giữa giới chức hai nước vẫn không giải quyết được những khác biệt trong cách thức thực hiện thỏa thuận chung tại hội nghị ở Singapore năm ngoái.
Kim Jong-un, với lời hứa phục hồi nền kinh tế yếu kém của đất nước, dự kiến triệu tập Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên trong tháng này nhằm "thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng", dựa trên "tình hình thay đổi trong và ngoài nước", truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết.
Stephen Schwartz, chuyên gia tại tạp chí Tập san của Các nhà khoa học Nguyên tử, bày tỏ nghi ngờ về khả năng Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí, thậm chí không chắc rằng họ có ý định từ bỏ chúng hay không.
"Kim đang giữ nhiều lá bài trong tay. Ông ấy có thể tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa hơn, tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Điều này có thể gây khó khăn cho Trump trong việc đối phó với tình hình trong nước", Schwartz cho hay, nói thêm rằng Kim cũng đã đạt được nhiều điều trong hai năm qua. "Ông ấy được hiện diện trên trường quốc tế, ngăn chặn được các cuộc tập trận Mỹ - Hàn".
Tuy nhiên, theo bình luận viên Ramon Pacheco Pardo của The Hill, cũng như Trump, Kim rõ ràng muốn hai bên đạt được thỏa thuận. Việc từ bỏ kho vũ khí có thể làm suy giảm khả năng phòng vệ của Bình Nhưỡng, nhưng mối quan hệ với Washington được cho là sẽ mang lại sự công nhận cho chính quyền Kim, điều mà họ vẫn mong mỏi, đồng thời giúp gỡ các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế Triều Tiên kiệt quệ.
Pardo cho rằng nếu bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Triều Tiên không những phá bỏ được những rào cản cấm vận, mà còn mở ra cánh cửa thu hút tài trợ từ các tổ chức quốc tế và quỹ đầu tư nước ngoài, từ đó giúp Kim hiện thực hóa lời hứa cải cách kinh tế với người dân kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011.
Để nâng cao triển vọng đàm phán với Mỹ, Pardo cho rằng Kim nên ngừng các động thái khiêu khích, đồng thời thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga nhằm đa phương hóa thỏa thuận trong tương lai. Nếu không, mối quan hệ nồng ấm hiện tại giữa Trump và Kim sẽ sụp đổ, khiến Triều Tiên một lần nữa phải thất vọng như những tiến trình hòa giải trong quá khứ.
Bình luận viên Pardo nhận định thỏa thuận cũng giúp Trump củng cố quyền lực của mình và nâng cao khả năng tái đắc cử, nhưng nếu tiến trình đàm phán thất bại, Bình Nhưỡng mới là bên mất mát nhiều nhất. Mỹ vẫn sẽ tồn tại mà không cần thỏa thuận, trong khi Kim Jong-un cần nó để thực hiện các mục tiêu.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, Hill, Stuff)