Vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên hôm 29/5.
Triều Tiên ngày 30/5 tuyên bố đã phát triển một phương tiện có thể tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển với độ chính xác cao, theo Yonhap.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông, bay khoảng 450 km rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Triều Tiên cho biết đã sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác mới cho quả tên lửa này, giúp nó rơi trúng mục tiêu với độ sai lệch chỉ 7 mét.
Bình Nhưỡng nói rằng họ đã giảm một nửa tầm bắn của quả tên lửa để thử nghiệm, có nghĩa là quả tên lửa có tầm bắn khoảng 1.000 km, tương đương tên lửa Scud-ER.
Quan sát cuộc phóng thử lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un so sánh quả tên lửa với "khẩu súng trường bắn tỉa" vì khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển, kể cả tàu chiến của đối phương.
Theo các chuyên gia quân sự Hàn Quốc, việc Triều Tiên theo đuổi kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM), thường được gọi là "sát thủ diệt tàu sân bay", không phải là điều bí mật, trong bối cảnh hai cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ đang phô trương sức mạnh trong khu vực.
Các nhà quan sát về Triều Tiên cho rằng sau vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 có tầm bắn gần 5.000 km, Bình Nhưỡng đang tập trung hoàn thiện công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tăng cường độ chính xác của các tên lửa đang có trong kho và giảm thời gian chuẩn bị cho các vụ phóng.
Giới chuyên gia Hàn Quốc tỏ ra ấn tượng với tuyên bố của Triều Tiên rằng tên lửa của họ chỉ bay chệch mục tiêu 7 mét. Tên lửa của Triều Tiên có thể đạt độ chính xác này nhờ được bổ sung các cánh vây nhỏ để ổn định đường bay trong giai đoạn tăng độ cao. Triều Tiên cũng cho biết đã lắp đặt các động cơ phản lực nhỏ ở giai đoạn giữa hành trình bay để cải thiện việc kiểm soát tốc độ, ổn định và dẫn hướng chính xác ở giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, để đánh trúng các tàu chiến di chuyển trên biển, tên lửa Triều Tiên cần được trang bị những hệ thống cảm biến hiện đại hay hệ thống dẫn đường hiệu suất cao có thể cập nhật dữ liệu mục tiêu trong khi bay.
Đầu đạn tên lửa ASBM không chỉ cần hệ thống định vị toàn cầu mà còn cần thiết bị dẫn hướng hiện đại, trong khi Triều Tiên không đề cập đến những hệ thống này trong tuyên bố ngày 30/5. Triều Tiên cũng được cho là đang thiếu các hệ thống radar vượt đường chân trời và hệ thống trinh sát tầm xa, vốn là những yếu tố không thể thiếu đối với ASBM.
"Do không có vệ tinh và hệ thống trinh sát tầm xa nên Triều Tiên gặp phải nhiều khó khăn trong việc điều khiển tên lửa ASBM. Để khắc phục, Bình Nhưỡng đã tích cực phát triển các cảm biến mới để cải thiện độ chính xác của tên lửa từ đầu thập niên 2000", Chang Yong-keun, giáo sư Đại học Hàng không Hàn Quốc, cho biết.
Nguyễn Hoàng