Tờ New York Times dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn Quốc thuộc đại học Johns Hopkins cho biết, một tòa nhà thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon, được thiết kế lại nhằm phục vụ mục đích sản xuất thanh nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân. Một tòa nhà cũ khác vốn dùng để sản xuất thanh nhiên liệu, thì nay được nâng cấp thành nhà máy làm giàu uranium.
"Việc xác định các cơ sở sản xuất này cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực trong việc hiện đại hóa và tái khởi động cơ sở hạt nhân Yongbyon trên một phạm vi rộng hơn", báo cáo trên viết.
Trong một báo cáo hôm, 5/12, hai chuyên gia hạt nhân David Albright và Serena Kelleher-Vergantini thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh quốc tế, cho biết có khói bốc lên cao tại khu chế tạo nguyên liệu ở Yongbyon, dự báo khả năng Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình hạt nhân.
Yongbyon là cơ sở hạt nhân chủ yếu của Triều Tiên, nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng 103 km về hướng Bắc. Đây cũng là tổ hợp vận hành các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước này.
Trung tâm nghiên cứu hạt nhân này từng bị đóng cửa vào năm 2007, là kết quả thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhưng, Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên Liên Hợp Quốc và tái khởi động tổ hợp này, sau khi các vòng đàm phán thất bại vào năm 2008.
Từ năm 2006, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân, lần đây nhất là vào tháng hai, bất chấp sự phản đối của quốc tế, bao gồm cả đồng minh Trung Quốc.
Triều Tiên gần đây tỏ thái độ muốn nối lại vòng đàm phán 6 bên, nhưng Mỹ và các nước đồng minh không chấp thuận và yêu cầu nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, như một điều kiện tiền đàm phán.
Trong tháng 12, Triều Tiên thanh trừng ông Jang Song-thaek, chú của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, cũng là người từng có quyền lực thứ hai đất nước, dấy lên mối quan ngại về sự bất ổn trên chính trường. Nhiều chuyên gia và nhà phân tích nhận định, Triều Tiên rất có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư để chuyển mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài.
Đức Dương