Trong một tuyên bố được đăng tải trên hãng thông tấn KCNA, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay, nỗ lực tìm kiếm giải pháp thương lượng về chương trình hạt nhân đang bị chính sách thù địch của Mỹ cản trở.
Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp trả lại ý kiến trước đó của Glyn Davies, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên. Hôm 25/11, phát biểu trước báo giới tại Tokyo, ông Davies cảnh báo Washington sẽ gia tăng trừng phạt với Bình Nhưỡng nếu nước này không chứng tỏ thực tâm muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên của Triều Tiên cho rằng, những lời lẽ trên đi ngược với nỗ lực kêu gọi nối lại cuộc đàm phán 6 bên của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
"Hành vi cố tình đưa những điều kiện tiên quyết luôn là nguyên nhân cản trở con đường nối lại đàm phán", ông nói. "Triều Tiên sẽ buộc phải tăng cường răn đe chừng nào Mỹ còn tiếp tục những động thái thù địch".
Cuộc đàm phán 6 bên gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên bị trì hoãn từ năm 2008. Washington khẳng định đàm phán chỉ có thể tiếp diễn một khi Bình Nhưỡng thực sự từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Ông Davies cho rằng việc Triều Tiên vừa muốn nối lại đàm phán, vừa duy trì tham vọng hạt nhân là không thể chấp nhận được. Đặc phái viên này đang có chuyến thăm dài một tuần ở Đông Bắc Á, trong bối cảnh Iran vừa đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân trong 6 tháng tới để được nới lỏng cấm vận. Ông Davies cho rằng rất khó để có thể so sánh trực tiếp giữa Triều Tiên và Iran, nhưng nhận định, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt với Tehran đã đạt hiệu quả.
Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Vụ thử nghiệm gần nhất và mạnh nhất diễn ra hồi tháng hai.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định Triều Tiên đã có bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về khả năng nước này đạt được công nghệ cần thiết để sản xuất đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Anh Ngọc