Hình ảnh cuộc duyệt binh tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đêm 8/2 được Reuters phân tích hôm 15/2 cho thấy xe chở đạn kiêm bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới của Triều Tiên được treo lá cờ màu đỏ viền vàng chưa từng xuất hiện trong những sự kiện trước đây.
Lá cờ này thể hiện hình ảnh quả tên lửa màu đen lao lên trời bên trong vòng tròn, được treo trên khoang lái của tổ hợp ICBM mới. Nó cũng xuất hiện bên cạnh cờ của các quân chủng khác khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến vào lễ đài để chứng kiến cuộc duyệt binh.
"Lá cờ về cơ bản đã xác nhận sự xuất hiện của đơn vị ICBM mới và cho thấy Triều Tiên có thể sắp thử nghiệm mẫu ICBM dùng nhiên liệu rắn", Cho Han-bum, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul, nhận định.
Một lá cờ khác cũng xuất hiện trong lễ duyệt binh với hình ảnh quả đạn Hwasong-17 và dòng "2022.11", đề cập đến thời điểm Triều Tiên lần đầu thử nghiệm loại tên lửa này. Các hệ thống ICBM xuất hiện trong những cuộc duyệt binh trước đây chỉ treo quốc kỳ Triều Tiên, hoặc không treo loại cờ nào.
Giới chức Triều Tiên chưa bình luận về thông tin.
Trong lễ duyệt binh, Triều Tiên đã phô diễn 11 hệ thống Hwasong-11 và các mô hình bệ phóng kín được cho là của ICBM đời mới sử dụng nhiên liệu rắn. Giới chuyên gia cho rằng đây là số lượng bệ phóng ICBM nhiều nhất từng xuất hiện trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên, cũng là lần đầu Bình Nhưỡng thể hiện họ đã có đủ lượng tên lửa cần thiết để vô hiệu hóa lá chắn tên lửa Mỹ.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trước đó thông báo quân đội nước này đang tái cơ cấu và thiết kế lại cờ của các quân chủng, nhấn mạnh động thái phù hợp với nỗ lực "xây dựng quân đội hùng mạnh".
"Nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang Triều Tiên đã được mở rộng và tổ chức lại, đi kèm với những thay đổi về nhiệm vụ chiến đấu do tình hình mới, cũng như điều chỉnh về sứ mệnh chiến thuật và chiến lược", thông báo của KCNA có đoạn.
Phần lớn tên lửa đạn đạo trong biên chế Triều Tiên hiện nay vẫn dùng nhiên liệu lỏng. Phát triển ICBM dùng nhiên liệu rắn là một trong những mục tiêu then chốt dài hạn của Bình Nhưỡng, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng tên lửa chiến lược khi nổ ra xung đột.
Lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 1 yêu cầu tăng tốc độ sản xuất "theo cấp số nhân" để chế tạo hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, cũng như ra lệnh cho ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo ICBM thế hệ mới có khả năng tấn công đáp trả chớp nhoáng.
Vũ Anh (Theo Reuters)