Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mới đây cho biết Triều Tiên hiện có hơn 7.000 căn cứ quân sự và kho tàng dự trữ được xây dựng kiên cố dưới lòng đất hoặc trong lòng núi, theo Yonhap.
Theo báo cáo, các kỹ sư Triều Tiên tỏ ra rất có khả năng trong việc thiết kế và xây dựng hầm ngầm ở độ sâu lớn và sau cuộc chiến tranh 1950-1953, Bình Nhưỡng đã sử dụng chiến thuật này nhằm che giấu bí mật quân sự và bảo vệ các cơ sở trọng yếu trước những đợt tấn công bất ngờ của đối phương.
Theo National Interest, Quân đội Mỹ và Hàn Quốc năm 1974 phát hiện một đường hầm lớn, đào sâu một km vào phía nam Khu Phi Quân sự (DMZ) giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc.
Qua khai thác một lính Triều Tiên đào ngũ, Mỹ và Hàn Quốc phát hiện một đường hầm khác dài hơn 1,5 km và rộng hơn 2 mét vào năm 1978. Kể từ thời điểm đó, ít nhất 4 đường hầm đã được khám phá, với những tấm bê tông gia cố, hệ thống điện chiếu sáng, thông khí và các đường ray để đưa đất đá ra ngoài.
Các chuyên gia nhận định 4 đường hầm này giúp Triều Tiên có khả năng bí mật triển khai số quân tương đương một lữ đoàn xâm nhập vào Hàn Quốc chỉ trong vòng một giờ.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Triều gia tăng trong mấy tháng gần đây, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch và phóng hai tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản chỉ trong một tháng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trên tài khoản Twitter ngày 7/10 cho rằng việc thỏa thuận với Triều Tiên chỉ khiến những nhà đàm phán Mỹ trở nên "ngu ngốc" đồng thời nhấn mạnh "chỉ một điều có tác dụng" với Bình Nhưỡng, làm dấy lên đồn đoán về việc ông có thể lựa chọn biện pháp quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.
Nguyễn Hoàng