TP HCM, trong tuần từ ngày 1/3 đến 7/3, ghi nhận khoảng 37.500 trẻ nghi mắc Covid, cao gần gấp đôi so với tuần trước đó, chủ yếu lây nhiễm do học sinh đến trường.
Hồi tháng 2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, công bố hơn 19% tổng số ca nhiễm hiện nay là trẻ em. Trong đó, nhóm trẻ 13-17 tuổi chiếm gần 5%, nhóm 6-12 tuổi hơn 8%, trẻ 3-5 tuổi là gần 3%% và gần 4% tuổi 0-2. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là gần 0,2%; ở nhóm 3-12 tuổi và 13-17 tuổi chưa tới 0,1%.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid không cao so với người lớn, song ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài đến thể chất, tinh thần trẻ hậu nhiễm.
Theo bác sĩ Thoa, nCoV xâm nhập vào hô hấp. Do đó trẻ mắc Covid-19, biểu hiện bệnh qua đường hô hấp là rõ ràng nhất. Trẻ sẽ sốt kèm ho, nghẹt mũi, chảy mũi, có thể có triệu chứng ở đường tiêu hóa, như mắc ói, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Một số trường hợp có biểu hiện phát ban, đỏ mắt.
Hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất ở trẻ em đa phần cũng liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim. Ngoài ra, trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất, dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim, hô hấp; trẻ cũng giảm sự tập trung, dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn.
Riêng biểu hiện mất khứu giác, vị giác trẻ em ít gặp hơn người lớn. Theo một số báo cáo, mất vị giác, khứu giác thường gặp ở trẻ lớn hơn trẻ nhỏ, có thể do trẻ nhỏ chưa có khả năng diễn tả được cảm giác của mình. Tình trạng này thường sẽ khỏi sau vài tuần.
Tiến sĩ Jagdish Kathwate - chuyên gia Nhi khoa tại Bệnh viện Motherhood Hospital Kharadi Pune, Ấn Độ, cho biết Covid-19 có thể gây ra tình trạng "loạn khứu giác", do virus làm tổn thương tạm thời các thụ thể (protein) và dây thần kinh liên quan đến khứu giác. Trẻ bị thay đổi khứu giác và vị giác dẫn đến kén ăn. Tình trạng "loạn khứu giác" làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ mùi vị của trẻ với thức ăn, ví dụ thay vì ngửi mùi chocolate lại ra mùi xăng, mùi rác thải thậm chí là mùi trứng thối. Do vậy, một số trẻ em có thể sẽ cảm thấy không còn hứng thú với những món ăn mà bé từng rất thích trước đó.
Một tình trạng y tế hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19 ở trẻ em được y khoa thế giới gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây tử vong, trẻ cần phải được nhập viện sớm để điều trị.
MIS-C thường xảy ra ở trẻ 6-15 tuổi, vào khoảng 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19, do rối loạn đáp ứng miễn dịch. Nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan tiêu hóa... có thể bị tổn thương. Trẻ thường bị sốt rất cao liên tục kèm theo biểu hiện tổn thương niêm mạc (nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như quả dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân); rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn) hoặc biểu hiện tổn thương các cơ quan khác (tim, thận, thần kinh...). Mắc hội chứng này, trẻ cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất mùi, phát ban, đỏ mắt, sốt kéo dài, thậm chí mất hoặc thay đổi vị giác...
Không ít trẻ có tâm lý mặc cảm, tự ti sau mắc Covid. Một biểu hiện khác ở trẻ khiến phụ huynh lo lắng là khó tập trung, không ghi nhớ và hiểu được kiến thức giáo viên giảng dạy, chữ viết xấu... Toàn bộ biểu hiện này rất cần được theo dõi, đánh giá sớm và can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ, bác sĩ Thoa nói.
"Để chẩn đoán MIS-C cần có sự thăm khám rất kỹ của bác sĩ và cần làm một số xét nghiệm, loại trừ tất cả nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng tương tự nhằm chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Thoa nói.
Bác sĩ khuyên phụ huynh cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường để đưa trẻ đi khám ngay khi cần thiết. Trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể có tình trạng "não sương mù" làm trẻ suy nghĩ chậm, giảm trí nhớ và thiếu tập trung. Trẻ cần thời gian nhiều hơn để học và nhớ bài. Do đó, trẻ cần hỗ trợ về mặt tâm lý từ phụ huynh và thầy cô để vượt qua khó khăn trong học tập, tránh tâm trạng lo lắng bi quan. Trẻ nên tập thể dục nhẹ nhàng, tăng lên dần chứ không quá sức khiến trẻ dễ mệt và sẽ từ chối hoạt động. Từ sự hỗ trợ về tinh thần và thể chất, dần dần trẻ sẽ quay trở về nhịp sống bình thường.
Gia đình có trẻ mắc Covid-19 không được chủ quan, ngay cả khi trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. "Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Thoa nói. Bà ví dụ, thuốc kháng đông, kháng viêm chỉ được chỉ định sử dụng khi trẻ nhập viện. Và thuốc kháng đông dành cho trẻ là dạng sử dụng đường tiêm, không phải là thuốc uống của người lớn. Nếu cho trẻ sử dụng thuốc kháng đông dạng uống của người lớn thì "lợi bất cập hại".
Ngoài ra, sau khi trẻ khỏi bệnh, âm tính ít nhất 2-3 tuần, người nhà cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần; thậm chí tiếp tục theo dõi đến tận 2-3 tháng sau đó. Kết hợp với bác sĩ điều trị, phụ huynh đồng hành cùng bé trong những hoạt động tại nhà như vận động phù hợp, chơi thể thao, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, máy tính điện thoại, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý...
Quỳnh Châu