Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn, trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B gây ra. Gia súc như lợn, trâu bò, ngựa, chim hoang dã... thường mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản. Muỗi bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ động vật bị bệnh sẽ truyền sang người.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em do có hệ miễn dịch yếu và chưa được tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đầy đủ. Theo ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) các trường hợp mắc bệnh thường không được tiêm phòng, không tiêm nhắc hoặc cha mẹ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường nên đưa trẻ tới bệnh viện muộn.
Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản
Giai đoạn ủ bệnh
Viêm não Nhật Bản thường có thời gian ủ bệnh 5-14 ngày, trung bình khoảng một tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng.
Giai đoạn khởi phát
Sau giai đoạn ủ bệnh, virus vượt qua hàng rào mạch máu - não và gây phù não. Bệnh sẽ khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1-2 ngày đầu có thể gặp những dấu hiệu như cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng. Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở một số trẻ nhỏ còn là đi lỏng, đau bụng, nôn giống như ngộ độc ăn uống.
Giai đoạn toàn phát
Từ ngày thứ 3-4 đến ngày 6-7, bệnh tiến vào giai đoạn toàn phát. Triệu chứng nổi bật nhất là tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Sang ngày thứ 3-4, các triệu chứng không giảm mà còn nặng hơn. Bệnh nhân từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu. Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên. Người bệnh vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng rối loạn nhịp thở. Cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến bệnh nhân nằm co quắp, giật rung các cơ mặt và chi.
Giai đoạn lui bệnh
Sang tuần hai, nhiệt độ cơ thể giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Tuy nhiên sau đó, người bệnh viêm não Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng nguy hiểm như viêm phế viêm, viêm bể thận - bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong những ngày đầu, khi bệnh nhân có triệu chứng hôn mê sâu, co giật, tổn thương hành não.
Phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản tuy là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng vẫn có thể điều trị khỏi nhờ phát hiện bệnh kịp thời. Một số phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm viêm não Nhật Bản như xét nghiệm thường quy, xét nghiệm không đặc hiệu, xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm huyết thanh học. Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng
- Cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
- Thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đúng lịch, đủ liều. Tiêm vaccine được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Hiện nay tại Việt Nam lưu hành 2 loại vacine phòng viêm não Nhật Bản là Jevax (Việt Nam) và Imojev (Sanofi Pasteur - Pháp, sản xuất tại Thái Lan).
Jevax là vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Vaccine Jevax chống chỉ định với những người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vaccine; người bệnh tim, gan, thận; người mắc bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng; người đang có những triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, nhiễm trùng tiến triển; người có bệnh ung thư máu hoặc các bệnh ác tính nói chung; phụ nữ có thai.
Phác đồ tiêm Jevax 3 mũi cơ bản như sau:
- Mũi 1: Là liều đầu tiên khi tiêm
- Mũi 2: sau mũi 1 khoảng 2 tuần
- Mũi 3: sau mũi 2 khoảng 1 năm
Sau mỗi 3 năm, trẻ nên tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch cho đến 15 tuổi. Những người lớn cũng nên tiêm nhắc lại trước khi có dịch viêm não xảy ra.
Imojev là vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Vaccine Imojev chống chỉ định với người có tiền sử phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Imojev; người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải làm suy yếu miễn dịch tế bào; người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc bằng chứng suy giảm chức năng miễn dịch; phụ nữ có thai hoặc cho con bú sữa mẹ.
Phác đồ tiêm vaccine Imojev như sau:
Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vaccine viêm não Nhật Bản)
- Mũi 1: mũi tiêm đầu tiên
- Mũi 2: cách mũi tiêm đầu tiên 1 năm
Đối với người tròn 18 tuổi trở lên
- Tiêm 1 mũi duy nhất
Trường hợp trẻ đã tiêm vaccine Jevax trước đó muốn đổi sang tiêm vaccine Imojev:
- Nếu đã tiêm 1 mũi Jevax: tiêm 2 mũi Imojev, trong đó mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm tối thiểu 2 tuần.
- Nếu đã tiêm 2 mũi Jevax: tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 1 năm.
- Nếu đã tiêm 3 mũi Jevax: tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 3 năm.
- Không tiêm nhắc vacine viêm não Nhật Bản sau khi hoàn tất lịch tiêm Imojev.
Cũng như hầu hết các loại vaccine khác, sau khi tiêm vaccine Jevax hoặc Imojev, một số người thường gặp tác dụng phụ tại chỗ tiêm như đỏ, ngứa, sưng, đau. Một số người khác thì có phản ứng toàn thân như sốt, đau đầu, mệt mỏi. Những phản ứng phụ không mong muốn trên có thể xuất hiện vài giờ sau tiêm và thường tự biến mất sau vài ngày. Trong một số trường hợp hiếm có thể gặp tình trạng choáng sau tiêm trong vài giờ, cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí.
Ngọc An