Trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, mỗi thế hệ lãnh đạo cao nhất đều đưa ra khẩu hiệu chính trị của riêng mình, mà đằng sau đó bao hàm một hệ tư tưởng trị quốc. "Trong những năm gần đây, các khẩu hiệu như vậy trở thành tuyên bố nguyên tắc, nhưng có thời điểm lại từng là dấu hiệu về sự thay đổi chính sách", một bài bình luận gần đây của AP viết.
Thời kỳ Mao Trạch Đông
"Phá bỏ bốn cũ" được cho là khẩu hiệu chính trị nổi tiếng nhất trong thời kỳ lãnh đạo của cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Khẩu hiệu này lần đầu tiên được chính thức đưa ra trong bài xã luận "Quét sạch hết thảy quỷ thần" đăng tải vào ngày 1/6/1966 trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo đó, bài xã luận hiệu triệu người dân phá bỏ tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ. Đây cũng được coi là sự kiện đánh dấu mốc cho sự mở màn của cuộc Đại cách mạng văn hóa kéo dài 10 năm, từ 1966 đến 1976. Tháng 8/1966, Bắc Kinh thông qua quyết định 16 điều, một lần nữa khẳng định khẩu hiệu "Phá bỏ bốn cũ".
New York Times dẫn lời nhà văn Dư Hoa cho biết, dưới sức ảnh hưởng của khẩu hiệu trên, hàng loạt đường phố, cửa hàng và bệnh viện đã phải đổi từ tên cũ sang tên mới. "Các cửa hàng Đông Lai Thuận và Toàn Tụ Đức đều là những cái tên đậm màu sắc phong kiến. Bệnh viện Đồng Nhân phải đổi tên thành bệnh viện Công Nông Binh", ông nói.
Thời kỳ Đặng Tiểu Bình
Tại Hội nghị Trung ương ba khóa 11, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khẳng định đường lối chính trị của Trung Quốc là "một lòng thực hiện bốn hiện đại hóa", bao gồm hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học công nghệ. Sự kiện này cũng đánh dấu việc công cuộc Cải cách mở cửa chính thức bắt đầu.
Tuy nhiên, người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu "Bốn hiện đại hóa" là cố thủ tướng Chu Ân Lai. Theo chuyên gia Sư Hà thuộc Trường đảng Bắc Kinh, trong báo cáo chính phủ năm 1954, thủ tướng Chu lần đầu đưa ra mục tiêu bốn hiện đại hóa, gồm: hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa giao thông vận tải và hiện đại hóa quốc phòng.
Sau nhiều lần sửa đổi, thủ tướng Chu Ân Lai mới chính thức công bố nhiệm vụ bốn hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ, tại phiên họp quốc hội hồi cuối năm 1964.
Tuy nhiên, cùng với việc Đại cách mạng văn hóa nổ ra vào năm 1966, khẩu hiệu "Bốn hiện đại hóa" bị tạm thời gác lại. "Mãi đến Hội nghị Trung ương ba khóa 11, đảng mới lại coi bốn hiện đại hóa là nhiệm vụ chính trong thời kỳ mới", chuyên gia Sư Hà cho biết.
Thời kỳ Giang Trạch Dân
Khi đi khảo sát tỉnh Quảng Đông hồi đầu năm 2000, chủ tịch Giang Trạch Dân lần đầu tiên đưa ra học thuyết "Ba đại diện". Một năm sau, học thuyết này được khái quát thành một trong các tư tưởng chỉ đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dịp 80 năm ngày thành lập đảng.
Theo đó, đảng đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất xã hội tiên tiến, đại diện cho phương hướng phát triển của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân.
Với phương châm thứ nhất làm cơ sở, tại Đại hội 16 diễn ra năm 2002, ông Giang lần đầu tiên đề ra chính sách cho phép chủ doanh nghiệp tư nhân được kết nạp đảng. Theo BBC, một phần ba giới siêu giàu Trung Quốc hiện nay là đảng viên. Nghị trường nước này cũng tập trung hàng trăm tỷ phú, với tổng tài sản lên đến 460 tỷ USD.
Xem thêm: Nghị trường Trung Quốc quy tụ giới siêu giàu
Giới học giả cho rằng, Bắc Kinh muốn thông qua việc thâu nạp tầng lớp tinh hoa kinh tế, để phủ sóng sức ảnh hưởng đến khắp tất cả các tầng lớp nhân dân. "Đảng muốn thông qua biện pháp này để nâng cao năng lực cầm quyền của mình", Giáo sư Tăng Nhuệ Sinh thuộc Đại học Nottingham cho biết.
Thời kỳ Hồ Cẩm Đào
Tại Hội nghị công tác phòng chống SARS toàn quốc diễn ra vào tháng 7/2003, chủ tịch Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đưa ra khẩu hiệu "Phát triển khoa học", được định nghĩa là quan điểm phát triển hài hòa, toàn diện và bền vững.
Xuất hiện cùng thời điểm với khẩu hiệu trên còn có "Xã hội hài hòa". Trong hai năm sau đó, tần suất xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo của hai khẩu hiệu trên nhiều như nhau, khiến một số học giả cho rằng "Xã hội hài hòa" mới là nội dung chính trong triết lý trị quốc của ông Hồ Cẩm Đào.
"Khẩu hiệu này nhằm thẳng vào những vấn đề xã hội cần phải giải quyết, nắm được những điều căn bản của sự phát triển trong tương lai", nhà nghiên cứu Chu Đà bình luận. "Nhưng, giới lãnh đạo cao nhất sau khi xem xét kỹ, vẫn quyết định lấy Phát triển khoa học làm khẩu hiệu đi đầu, dù còn mơ hồ".
Nhà nghiên cứu Lý Tiểu Minh thì cho rằng, cần coi "Phát triển khoa học" là một phương pháp nhằm giải quyết những vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải, chứ không phải là mục tiêu hướng tới.
"Nhưng cũng bởi cách nói này tương đối mơ hồ, nên mới bổ sung thêm bốn nội dung là lấy dân làm gốc, phát triển toàn diện, phát triển hài hòa và phát triển bền vững", ông Lý nói.
Tại Đại hội thứ 17, "Phát triển khoa học" được chính thức đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, và cũng được coi là một trong các tư tưởng chỉ đạo của đảng.
Thời kỳ Tập Cận Bình
Nối tiếp truyền thống, Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây chính thức đưa ra học thuyết "Bốn toàn diện", khẩu hiệu chính trị và cũng là triết lý trị quốc của ông. Theo đó, bốn nhiệm vụ cần thực hiện gồm: xây dựng toàn diện xã hội khá giả, làm sâu sắc toàn diện cải cách, quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện.
Khi mới lên cầm quyền vào cuối năm 2011, ông Tập Cận Bình từng đưa ra khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Quốc", với mục tiêu phục hưng quốc gia. Đây từng được cho co thể là thuyết trị quốc của nhà lãnh đạo này.
Tuy nhiên, khái niệm "Giấc mơ Trung Quốc" được đánh giá là thiếu màu sắc lý luận, dẫn đến hiện tượng không thống nhất trong cách giải thích của truyền thông nhà nước và dư luận xã hội.
Vì vậy, giới quan sát cho rằng "Bốn toàn diện" nhằm mục đích đưa ra cơ sở lý luận cho giấc mộng phục hưng quốc gia. "Bốn toàn diện là nhằm hệ thống hóa và cụ thể hóa khái niệm trên, để tất cả mọi người cùng chung một giấc mộng", chuyên gia chính trị Trung Quốc Lưu Nhuệ Thiệu cho biết.
Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Đồng Chi Vĩ cho rằng "Bốn toàn diện" đưa ra yêu cầu trong một số lĩnh vực quan trọng, nhằm bổ sung cho "Giấc mơ Trung Quốc". Nhưng theo chuyên gia này, các nội dung trên không hề mới. "Thực chất đây chỉ là mục tiêu công việc của trung ương, chứ không phải là lý luận mới", ông Đồng nói.
"Bốn toàn diện" có thể sẽ được đảng Cộng sản Trung Quốc đưa vào Điều lệ đảng trong Đại hội 19 dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Đức Dương