"Bức xạ terahertz là khu vực bức xạ điện từ ở ranh giới giữa ánh sáng và sóng vô tuyến. Nếu xét vùng phổ quát, nguồn gốc của bức xạ terahertz trong môi trường tự nhiên là những tàn lửa lau sậy cháy âm ỉ", Nikolai Bagraev, giáo sư Vật lý thí nghiệm thuộc Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Saint-Peterburg, nói.
Nếu lựa chọn phạm vi dải tần bức xạ phù hợp với từng cá nhân, cơ thể sẽ hoạt động nhịp nhàng chính xác như chiếc đồng hồ. Bagraev nhận định đây là con đường dẫn trực tiếp đến môn y học cá nhân hóa, mở ra triển vọng gia tăng tuổi thọ cho con người khoảng 40 năm.
Đặc tính chữa bệnh của bức xạ terahertz đã được các thầy lang sử dụng bằng cách lấy tàn lau sậy đắp vào vết thương. Ngày nay, các nhà khoa học ứng dụng bức xạ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là y học bởi nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người được cấp xung lực bởi bức xạ này, đóng vai trò như chất xúc tác và bù đắp cho sự thiếu hụt enzym nào đó.
Theo giáo sư, bức xạ terahertz có thể ứng dụng để điều trị bệnh của hoạt động thần kinh cấp cao như bệnh đa xơ cứng, Alzheimer. Khi sử dụng liệu pháp này, bộ thiết bị bức xạ terahertz đã thể hiện tính tích cực qua kết quả điều trị hư khớp và viêm khớp, thậm chí cả trong khâu phục hồi chức năng.
Bức xạ hỗ trợ cho bệnh nhân tiểu đường, kích thích sự chuyển động của đường từ máu trong mô tế bào, ngay cả khi cơ thể người bệnh không đủ lượng insulin. Nhờ đó, họ sẽ không phát sinh ổ loét hay hoại tử chi. Liệu pháp này còn có thể đóng vai trò như phương tiện lưu thông oxy, ngăn ngừa nhiều bệnh nghiêm trọng như thiếu máu.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Nga đã đi tiên phong trong sản xuất thiết bị bức xạ terahertz áp dụng trong y tế, dù thiết kế kết cấu khá cồng kềnh. Họ là các nhà vật lý St. Petersburg đang làm việc dưới sự lãnh đạo của giáo sư Bagraev.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã có thể làm ra những bộ phát với kích thước bất kỳ. Sản phẩm của họ được cấp giấy phép sản xuất và sử dụng trong các bệnh viện thực hành. Trong đó, bộ teratron sử dụng kết hợp những thiết bị chẩn đoán khác nhau như trong soi chiếu cắt lớp. Vì bức xạ terahertz không ion hóa, nó không gây bất kỳ tác động có hại cho con người.
Vấn đề hiện nay là thiết lập tổ hợp dây chuyền sản xuất hàng loạt các bộ bức xạ terahertz nhỏ gọn, không chỉ dành cho mỗi bệnh viện mà còn cả nhu cầu cá nhân. Để điều chỉnh cơ thể của mỗi người, giới nghiên cứu cần chế tạo chip phù hợp để gắn trực tiếp vào cơ thể.
Anh Hoàng (Theo Sputnik)