Nghệ thuật sống lâu là cuốn sách của bác sĩ Huseland, viết năm 1797 sau 8 năm nghiên cứu. Trong cuốn sách này, Huseland chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người như chế độ ăn uống nhiều rau xanh nhưng ít thịt và đồ ngọt, lối sống năng động, chế độ chăm sóc răng miệng tốt, thói quen tắm bằng nước ấm hàng tuần, giấc ngủ, môi trường sống lành mạnh và tuổi thọ của bố mẹ.
Theo ước tính Huseland, một nửa số trẻ em tử vong trước năm 10 tuổi. Nếu có thể vượt qua mối nguy hiểm từ bệnh đậu mùa, sởi, rubella.., tuổi thọ có thể kéo dài đến khoảng 30. Tuy nhiên trong điều kiện lý tưởng, tuổi thọ con người có thể kéo dài đến 200 năm.
Ngoài ý kiến của một bác sĩ thế kỷ 18, nhiều nhà khoa học khác trên thế giới từng đưa ra các nhận định về khả năng kéo dài tuổi thọ con người. James Vaupel là một chuyên gia của Viện nghiên cứu Max Planck tại Đức. Ông cho rằng cứ 10 năm, tuổi thọ con người lại tăng khoảng 2,5 năm.
Trước năm 1950, tuổi thọ con người có thể cải thiện bằng cách hạn chế tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh mà Huseland từng lưu ý. Tuy nhiên kể từ đó, trong giai đoạn những năm 1960 và gần đây là thập niên 80, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Hay nói cách khác, con người ngày càng sống lâu hơn.
Tuổi tác và những giới hạn
Số người sống thọ hơn 100 tuổi trên thế giới được dự đoán tăng 10 lần trong giai đoạn 2010-2050. Theo Huseland, một yếu tố quan trọng quyết định điều đó là tuổi thọ của cha mẹ. Tuy nhiên, số lượng người sống lâu không chỉ được lý giải bằng yếu tố di truyền, mà trên thực tế, nó phụ thuộc vào việc cải thiện điều kiện sống của con người. Các yếu tố đó bao gồm chăm sóc y tế, biện pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng như nước sạch, không khí trong lành, tiến bộ giáo dục hay tiêu chuẩn chất lượng cuộc sống...
Hành trình tìm kiếm giải pháp nâng cao tuổi thọ vẫn không ngừng tiếp tục, và một trong những cách tiếp cận phổ biến là hạn chế calo. Trong những năm 1930, các nhà khoa học từng ra rằng, những con chuột có chế độ ăn uống "gần như chết đói" sống lâu hơn những con được ăn đầy đủ. Một nghiên cứu khác đối với khỉ nâu cũng đưa ra kết quả tương tự. Theo nghiên cứu trong 20 năm của các chuyên gia Mỹ, tuổi thọ của các loài động vật còn ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng và môi trường.
Theo Vaupel, cơ thể người có thể chịu nhiều thương tổn và không thể tự phục hồi hoàn toàn. Sự tích tụ ngày qua ngày có thể là nguyên nhân của các bệnh liên quan đến tuổi tác. Các tế bào bị tổn thương có thể biến thành khối u ung thư.
Về mặt lý thuyết, nếu quá trình gây tổn thương cho tế bào có thể được ngăn chặn, thì sẽ không còn giới hạn về tuổi thọ ở người. Khi trường hợp đó xảy ra, con người sẽ không phải đối mặt với cái chết.
Yếu tố thay đổi
Telomere là một cấu trúc đặc biệt ở hai đầu mút của nhiễm sắc thể, giúp bảo vệ nhiễm sắc thể tránh khỏi các tổn thương. Chúng rút ngắn sau khi tế bào phân chia và đặt ra giới hạn về số lần tế bào có thể tự tái tạo. Khi con người già đi, các telomere càng ngắn lại. Không phải tất cả các loài động vật đều trải qua quá trình rút ngắn telomere, trong đó hydra - nhóm sinh vật sống sứa, là một ví dụ.
Trung bình mỗi ngày trên thế giới có 150.000 người qua đời, trong đó hai phần ba là do các nguyên nhân liên quan đến tuổi già. Khi can thiệp về mặt công nghệ đối với telomere được thực hiện, lão hóa không đáng kể có thể thành hiện thực trong vòng 25 năm tới.
Gennady Stolyarov là một triết gia theo thuyết siêu nhân học. Ông cho rằng có thể tăng tuổi thọ của con người nhờ đột phá về y tế, nhưng đồng thời cảnh báo sẽ có nhiều khó khăn mà chúng ta không thể lường trước. "Dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tỷ lệ tử vong", ông nói.
Theo Stolyarov, hai mối nguy hiểm đáng sợ đối với con người và ung thư và bệnh tim mạch. Do đó, mỗi người cần duy trì thói quen luyện tập thể thao, có chế độ ăn uống khỏe mạnh, hạn chế đồ uống có cồn và thịt có màu đỏ.
Trên thực tế, rất ít người trong chúng ta có thể thực hiện được những điều này, có thể vì cho rằng cuộc sống ngắn ngủi nên cần được hưởng thụ. Điều đó đặt ra câu hỏi, rằng nếu cuộc sống bất tử có thể tồn tại, con người có sẵn sàng đánh đổi hay không.
Linh Anh (Theo BBC)