Theo cuộc khảo sát tổng hợp của Bloomerg, hai quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực châu Á bởi đợt bùng phát Covid-19 trong những tháng gần đây. Nhưng bù lại, dự kiến họ sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Malaysia được nâng lên nhiều nhất khu vực, thêm 85 điểm cơ bản, đạt mức 5,65% vào năm tới. Ấn Độ đứng thứ hai, với GDP dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7%, nhanh hơn 80 điểm cơ bản so với trước đó.
Các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng đối với hầu hết quốc gia châu Á, ngoại trừ Thái Lan và New Zealand, với triển vọng giảm ít nhất 20 điểm cơ bản, trong khi triển vọng của Indonesia ít thay đổi.
Malaysia, quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm mới hàng ngày cao nhất thế giới trong tháng qua và đã trải qua sự thay đổi lãnh đạo, không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro kinh tế tức thời nào. Hoạt động của nền kinh tế được hỗ trợ bởi sự cải thiện nhu cầu trong nước và xuất khẩu tiếp tục mạnh mẽ, khi GDP quý II tăng 16,1%.
Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ đang giúp Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm tính đến tháng 3, với số ca nhiễm mới hàng tuần giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng, tính đến cuối tuần trước.
Theo Madhavi Arora, nhà kinh tế hàng đầu tại Emkay Global Financial Services, đến nay, thiệt hại kinh tế của Ấn Độ đã được hạn chế. Họ hồi phục nhanh nhờ các doanh nghiệp thích nghi tốt hơn, điều kiện tài chính ổn định và sự lan tỏa mạnh mẽ của tăng trưởng toàn cầu.
Cuộc khảo sát về xu hướng giá tiêu dùng cho thấy điều chỉnh lớn nhất đối với triển vọng của New Zealand, với lạm phát ở đó đã tăng 90 điểm cơ bản, lên 2,3% trong năm tới. Lạm phát ở Singapore, Australia có khả năng tăng ít nhất 40 điểm cơ bản.
"Báo cáo mới nhất về tiền lương và lạm phát cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ đối với New Zealand", Thomas Rudgley, Nhà kinh tế tại Oxford Economics, đánh giá. Theo vị chuyên gia, một số động lực cốt lõi của áp lực tăng giá sẽ xuất hiện trở lại, cho đến khi dòng người nhập cư hồi phục và thị trường lao động bớt khó khăn.
Phiên An (theo Bloomberg)