Canh tác lúa chiếm 6-8% lượng khí thải của hệ thống lương thực toàn cầu, trong khi chăn nuôi đóng góp 40-50%. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, lượng khí thải từ lúa cao hơn chăn nuôi hoặc các loại cây trồng khác. Theo ông Quốc Cường, chuyên gia Nhóm nghiên cứu biến đổi khí hậu của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), nguyên nhân là do phương pháp canh tác truyền thống lúa tại đây tạo ra lượng khí metan đáng kể.
"Khi ruộng lúa được ngập nước, nó tạo điều kiện cho quá trình phân hủy kỵ khí diễn ra, giải phóng khí metan và các loại khí nhà kính khác", ông Cường lý giải tại tọa đàm mới đây do Đại học Nông Lâm TP HCM tổ chức. Ước tính, mỗi ha lúa nước phát thải khoảng 12,7 tấn CO2 tương đương mỗi năm.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Indonesia là hai nước có tiềm năng lớn nhất để giảm phát thải ở lúa, cao hơn Thái Lan và Myanamar. Nếu ứng dụng các quy trình kỹ thuật canh tác phát thải thấp thì có thể giảm 40-65%, theo ông Cường. Nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) năm 2021 cũng chỉ ra tiềm năng giảm phát thải lúa gạo là 36%, vượt trội đáng kể so với chăn nuôi (9%) và các loại cây trồng khác (3%).
Việt Nam đang có Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030, là cơ hội khai thác tiềm năng này. Về lý thuyết, trồng lúa phát thải thấp mở cánh cửa tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện trong tương lai.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận quyền phát thải khí CO2 hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon, tín chỉ carbon. Trong đó, bên bán là bên có khả năng giảm hoặc loại bỏ phát thải được công nhận.
Ví dụ, dự án trồng lúa giảm được bao nhiêu CO2tđ được công nhận tín chỉ, sẽ bán cho khách hàng. Ước tính, với một triệu ha lúa chất lượng cao, giá trị tín chỉ carbon có thể đạt tới 100 triệu USD mỗi năm nếu được bán với giá 10 USD mỗi tín chỉ. "Tiềm năng giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội cho tài chính khí hậu", ông Cường nhận định.
Tuy nhiên, hiện thực hóa quy trình giảm phát thải, công nhận tín chỉ carbon và bán được là chặng đường dài. Việc này đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, hợp tác đồng bộ, theo chuyên gia.
Thứ nhất, là khâu thực thành. Phát thải trong trồng lúa được giảm ở các khâu làm đất, chọn giống lúa, phương pháp canh tác và xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó, canh tác ghi nhận giảm phát thải lớn nhất, tới 33%, nếu dùng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD) và phân bón hiệu quả.
Ở Việt Nam, hai phương pháp trồng lúa có thể áp dụng AWD là 1P5G (1 phải 5 giảm) và SRP (thực hành canh tác lúa bền vững). Hiện canh tác theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ đã chứng minh hiệu quả giảm phát thải và kinh tế đi kèm, nhưng ở quy mô nhỏ.
Ví dụ, thí điểm cách canh tác này ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), nông dân trồng lúa có lãi tăng 1,3-6,2 triệu đồng mỗi ha so với canh tác truyền thống. Phát thải CO2 cũng giảm 2-6 tấn mỗi ha.
Tiếp đến, nông dân phải từ bỏ tập quán đốt rơm để giảm 15% phát thải, nhưng đây cũng là thách thức không nhỏ. Tại một diễn đàn cuối tháng trước, ông Ngô Xuân Chinh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, IASVN) ước tính chỉ 10% lượng rơm rạ ở Việt Nam được thu gom tái chế.
Thứ hai, khâu giám sát, xác minh và công nhận tín chỉ carbon vẫn còn sơ khai. Đến nay, thị trường carbon ngành lúa gạo có thể tuân theo các tiêu chuẩn như CDM, Gold Standard, T-VER và Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Tùy theo mục đích và quy mô thị trường tài chính khí hậu mà dự án hướng đến, quy trình giám sát, báo cáo, xác minh (MRV), kiểm kê và định giá sẽ có điều chỉnh.
Tuy nhiên, nút thắt ở chỗ, hiện không có quốc gia hoặc sáng kiến nào thu thập dữ liệu về các hoạt động quản lý đồng ruộng liên quan đến khí thải ở quy mô lớn hoặc thường xuyên. Mỗi đợt kiểm kê khí nhà kính quốc gia đều dựa trên dữ liệu mẫu nhỏ và các giả định về thực hành của nông dân, theo IRRI.
Thứ ba, trước khi chờ điều kiện chính sách và kỹ thuật cho thị trường tín chỉ carbon lúa thành hình, thách thức bao trùm cho những nỗ lực giảm phát thải là điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng - kỹ thuật ở miền Tây chưa cao, đòi hỏi nhiều cải thiện.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR (Mỹ) tại 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tất cả địa phương cho biết đều thiếu vốn, gặp khó khăn về thực hiện chính sách giảm phát thải. Trong đó, 12 địa phương gặp khó về logistics, xuất khẩu; 11 tỉnh nói thời tiết, thiên tai phức tạp và 10 địa phương nêu thiếu hạ tầng chính sách, giao thông.
Theo TS Phạm Thu Thủy - thành viên nhóm nghiên cứu CGIAR, hiện công tác tại Đại học Adelaide (Australia), để giảm phát thải hệ thống lương thực thực phẩm nói chung cần cải thiện một loạt vấn đề. Chẳng hạn, chính sách (cơ chế liên kết vùng, quy hoạch đất đai, tài khóa) cần thay đổi, ngành lương thực tổ chức lại theo hướng thông minh, bền vững song song với đầu tư hạ tầng nông nghiệp.
Trong một loạt những việc cần phải làm, PGS. TS Kha Chấn Tuyền, Phó trưởng khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm (Đại học Nông Lâm TP HCM) khuyến nghị quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần đi theo một hệ thống khép kín và tinh gọn, tăng cơ giới hóa và ứng dụng kỹ thuật số. "Chuỗi cung ứng nên càng ngắn càng tốt, tận dụng phụ phẩm", ông nói.
Việt Nam có những thuận lợi để cải thiện các điểm hạn chế này khi sở hữu khung pháp lý đầy đủ, theo CGIAR. Ngoài ra, nông nghiệp được xác định là một phần trong triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, giới phân tích cho rằng điều quan trọng là phối hợp thực thi.
"Cần có hành động kịp thời nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ quản lý và cộng đồng, nhất là những đối tượng trực tiếp tham gia quá trình sản xuất, quản lý sản xuất", chuyên gia từ CGIAR khuyến nghị.
Viễn Thông