Triển lãm "Đất nước và con người" - khai mạc chiều 19/5 tại một phòng tranh ở quận 2, TP HCM - giới thiệu các tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Kao Thương nhân 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021). Bức "Đêm nay Bác thao thức" là một trong những sáng tác tâm đắc của họa sĩ lúc sinh thời. Tranh bằng chất liệu sơn dầu trên canvas, ra đời năm 1995, lấy cảm hứng từ bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" của thi sĩ Minh Huệ. Tác phẩm góp phần giúp Nguyễn Kao Thương được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Bức "Bác thăm gia đình thương binh sản xuất giỏi ở Tiền Hải, Thái Bình" từng mang lại cố họa sĩ giải A tại Triển lãm mỹ thuật 50 năm Lực lượng vũ trang toàn quốc năm 1994. Bà Mã Thanh Cao, Nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cho biết tác phẩm được đánh giá cao nhờ kỹ thuật vẽ hình khối, màu sắc sống động của tác giả, làm toát lên tình cảm ấm áp, bình dị. Bức phác thảo "Hát mừng xuân" ra đời năm 1975. Hầu hết tác phẩm đều do cố danh họa vừa bán, vừa tặng một nhà sưu tập vào thập niên 1990, khi ông chuyển từ nhà cũ sang nhà mới ở đường Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM). Bức "Bác câu cá bên bờ suối Lenin" được phác thảo trên giấy bằng màu nước. Nguyễn Kao Thương có thói quen chú thích địa điểm, chủ thể và thời gian sáng tác, do đó nhà sưu tập dễ dàng đánh giá hoàn cảnh sáng tác hay tính xác thực những tác phẩm được tìm thấy sau này của ông. Bức "Xuân họp mặt" được vẽ năm 1974. Theo họa sĩ Hứa Thanh Bình, đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trở đi trở lại trong các tác phẩm của Nguyễn Kao Thương. Dù vẽ không nhiều, hầu hết tranh của ông đều gây ấn tượng bởi bút pháp mạnh mẽ, phóng khoáng, tiêu biểu cho dòng hiện thực xã hội. Bức "Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập" được vẽ năm 1988. Theo Ralph Matthews, nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ, di sản Nguyễn Kao Thương để lại có thể khẳng định ông là nghệ sĩ phác họa và họa sĩ màu nước tài ba nhất so với những cây cọ cùng thời ở Việt Nam. Chân dung tự họa của Nguyễn Kao Thương. Ông sinh năm 1918 ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, An Giang. Năm 1937, ông theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1944-1954. Sau đó, ông tập kết ra Bắc, làm hiệu phó tại trường Mỹ thuật Việt Nam. Sau năm 1975, ông làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài vẽ tranh tại căn nhà ở quận 3, TP HCM. Đa phần tác phẩm giai đoạn này của ông bị hư hỏng vì không bảo quản kỹ. Ông qua đời năm 2003 vì tuổi già. Một số tác phẩm của ông hiện được lưu giữ tại các bảo tàng ở Hà Nội và TP HCM, hoặc được in trong các cuốn sách về nghệ thuật Việt Nam. Tam Kỳ (ảnh: Duy Nguyễn)Sách về quãng thời gian dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh Tái bản bộ sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh