Sự kiện khai mạc tối 8/10, giới thiệu tranh do Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng sưu tập. Các tác phẩm được Phạm Lực sáng tác từ năm 1963 đến 2017, xoay quanh những nội dung bình dị nhưng mang giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam như: người phụ nữ, lao động nghèo, chiến tranh và cuộc sống thường ngày... Thông điệp của triển lãm là sự song hành của những cảm xúc mộng mơ, khao khát hòa bình, tự do và ký ức chiến tranh.
>>> Tác phẩm của Phạm Lực trong triển lãm
Một số tranh nude của Phạm Lực như: Thiếu nữ khỏa thân, Thiếu nữ bên hoa... cũng được giới thiệu. Ông Nguyễn Sĩ Dũng - chủ nhân bộ sưu tập - cho biết các tác phẩm thể hiện rõ hình tượng phụ nữ Việt đẹp, mạnh mẽ. Nét vẽ phá cách của họa sĩ khiến phụ nữ trong tranh gợi cảm nhưng không gợi dục.

Họa sĩ Phạm Lực (trái) và ông Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: Hoàng Huế.
Phạm Lực ấn tượng với triển lãm bởi không gian đẹp và phản ánh đúng tình cảm của chính ông. "Phần lớn bức họa được sáng tác khi tôi còn trẻ, thời kỳ 20 - 30 tuổi. Chúng khiến tôi nhớ lại một thời lam lũ, phải vẽ trên bao tải", ông nói. Họa sĩ cảm ơn Nguyễn Sĩ Dũng đã giúp tranh của ông được nhiều người biết đến.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng tìm thấy sự đồng điệu với họa sĩ ở vẻ đẹp, sự gần gũi. "Khi thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật của Phạm Lực, tôi như được hòa mình vào dòng chảy văn hóa dân tộc. Tôi cảm nhận được hồn cốt của tôi, cha mẹ và đất nước, tất cả được hiển thị rất rõ ràng. Đó là lý do tôi đặt tên cho triển lãm là Hiển thị của bản sắc", ông nói.
Ông Dũng bắt đầu sưu tầm tranh Phạm Lực từ năm 1997, sau một lần thấy họa sĩ phơi tranh ngoài bờ đê. Qua thời gian tìm hiểu, quen biết với họa sĩ, ông cảm nhận được nét truyền thống dân tộc pha trộn thành tựu hội họa phương Tây, tạo nên màu sắc khác biệt, đường nét phá cách trong từng bức tranh. Nguyễn Sĩ Dũng thường lựa chọn những tác phẩm ngẫu hứng của họa sĩ.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng nói về hồn cốt Việt trong tranh Phạm Lực. Video: Hoàng Huế.
Đại tá, Họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm - khách tham dự sự kiện - đánh giá cao tình yêu quê hương, đất nước trong các tác phẩm. Theo ông, Phạm Lực vẽ bằng tình cảm, sự sôi động, màu sắc mạnh mẽ, nét vẽ phóng khoáng nhưng có sự hài hòa, chạm được vào cảm xúc người xem. Không gian trưng bày làm nổi bật sự tinh tế của bức tranh. Họa sĩ Mai San khen ngợi triển lãm đậm chất Việt và thể hiện được tâm huyết của họa sĩ và người sưu tầm tranh.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/11 tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn (phố Hàm Long).
Họa sĩ Phạm Lực (sinh năm 1943) là người gốc Huế, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ông là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình, với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) là thành viên tích cực, từng tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh Phạm Lực, kết nối những người yêu hội họa. Đến nay ông đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế, được đánh giá cao bởi nét vẽ chân thực, mô tả cuộc sống và con người bình dị.
Hiểu Nhân