Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943, là hậu duệ của đại thi hào Nguyễn Du. Mẹ anh là chắt ngoại của nhà thơ. Tuổi thơ khó khăn ở Hà Tĩnh không làm chùn ước mơ hội họa của ông. Phạm Lực thi đỗ và theo học trường Mỹ thuật Đông Dương, vì thế lối vẽ của ông là sự kết hợp kỳ tài của hội họa Pháp và mỹ thuật Á Đông. Mê mải vẽ, Phạm Lực không thể nhớ hết mình có khoảng bao nhiêu đứa con tinh thần. Chỉ biết tranh của ông, sau những lần bị hư hại do chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn, vẫn còn rất nhiều trong xưởng vẽ. Và rất nhiều tác phẩm khác của ông nằm trong bộ sưu tập của những nhà sưu tầm tranh. Thậm chí, từ năm 2004, một câu lạc bộ nhà sưu tầm tranh Phạm Lực đã được thành lập, bao gồm gần 100 thành viên cả Việt Nam và thế giới.

Triển lãm "Nối hai thế kỷ" tổ chức nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Phạm Lực. Có 70 bức tranh được trưng bày và tất cả đều là một phần trong bộ sưu tập tranh Phạm Lực của nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng. Là người yêu thích tranh Phạm Lực từ 20 năm nay, ông Sĩ Dũng cố gắng giữ lại các tác phẩm của họa sĩ để sau này con cháu không phải ra nước ngoài mới được xem những tranh quý như vậy. Bản thân Phạm Lực cho biết ông sáng tác quá nhiều, tranh của ông có mặt ở khắp nơi, và triển lãm lần này, ngoài ý nghĩa của một cuộc trưng bày tranh, nó còn cho ông nhiều cảm xúc đặc biệt; bởi ông được ngắm lại những sáng tác đã rời xa mình từ lâu.
Đúng như cái tên "Nối hai thế kỷ", triển lãm trưng bày các tác phẩm được sáng tác và lấy đề tài từ thế kỷ 20 và một phần của thế kỷ 21. 70 bức tranh với nhiều chất liệu khiến người xem choáng ngợp về sức sáng tạo của nghệ sĩ cũng như nội dung phong phú của các tác phẩm. Là người có 35 năm sống trong quân ngũ, Phạm Lực khi sang Lào, lúc ở Campuchia, khi vào Nam, ra Bắc nhưng lúc nào cũng tay súng, tay cọ. Mảng đề tài về chiến tranh của Phạm Lực không chỉ là những trận đánh oanh liệt, những chiến công vẻ vang, mà còn là những góc rất đỗi bình thường của chiến tranh. Những người từng đi qua hai cuộc chiến hẳn rất xúc động khi gặp trong triển lãm này những hình ảnh của Nhà tắm dã chiến (1967), Nữ dân quân chở con trên xe đạp (1966) hay những khía cạnh khác của chiến tranh trong Nỗi buồn chiến tranh (1969), người phụ nữ hậu phương trong Địu con đi cày...

Đời sống của người dân Việt Nam hiện lên quá đỗi gần gũi, thân quen trong tranh Phạm Lực. Những ai xuất thân từ nông thôn sẽ tìm lại được tuổi thơ trong những hình ảnh của Đãi hến, của một làng chài trong Những cánh buồm đỏ, hình ảnh trẻ mục đồng trong Cưỡi trâu, hay một gia đình nông thôn trong Hạnh phúc... Còn những người thành thị cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cuộc sống của họ thật đẹp và bình dị, quen thuộc trong tranh Phạm Lực đến vậy. Đó là những Phố cổ trưa hè, là Xích lô sau trận mưa, là Phố cổ đang chìm vào dĩ vãng...
Ảnh hưởng từ mỹ thuật Á Đông, tranh Phạm Lực có rất nhiều nét đen đậm của tranh thủy mặc, nhưng lại có rất nhiều người yêu sắc ghi lạnh, hay gam màu nâu sống đầm ấm trong phần lớn tranh của ông. Sáng tác trên nhiều chất liệu, ở tuổi 70, Phạm Lực vẫn tiếp tục vẽ không ngừng nghỉ. Ông cho biết ở xưởng vẽ, khi đã cảm thấy ngột ngạt với mùi sơn mài, ông lại chuyển sang góc khác để vẽ tranh lụa, tranh giấy... Nhưng gây được sự chú ý nhất trong gia tài tranh Phạm Lực có lẽ là những tác phẩm vẽ trên bao tải. Xuất phát từ sự thiếu thốn, khó khăn của chiến tranh, từ chiến trường, Phạm Lực đã vẽ lên những chiếc bao tải cũ đựng gạo từ hậu phương chuyển vào chiến trường. Thế mà bây giờ, tranh bao tải của Phạm Lực trở thành dòng tranh đặc biệt và được nhiều người tìm mua, sưu tầm.
"Nối hai thế kỷ" không chỉ mang tới các tác phẩm quý của một họa sĩ được nhiều người yêu thích, mà còn là dịp để người yêu nghệ thuật nhìn lại hội họa và cuộc sống Việt Nam nối dài qua hai thế kỷ. Triển lãm kéo dài tới hết ngày 29/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Lam Thu