16 họa sĩ thuộc nhóm Heritage And Art (H&A) chung đam mê nghiên cứu văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia, sáng tác đa chất liệu như sơn mài, sơn dầu, màu nước. Họ đã tổ chức các chuyến điền dã lấy tư liệu, những cuộc gặp gỡ nhân vật có liên quan để tìm hiểu sâu hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt, qua đó sáng tác loạt tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Tại triển lãm Ngày xửa ngày xưa, nghệ sĩ Đức Hiếu góp hai tác phẩm gốm. Họa sĩ Lê Thế Anh chọn đề tài người dân vùng cao nghèo khó nhưng luôn lạc quan, mong muốn mang năng lượng tích cực cho người xem, hướng đến sự duy mỹ trong hội họa.
Họa sĩ Tiến Dũng ấn tượng bộ ba tượng gỗ Ngọc Nữ từ thời Mạc, được phủ bằng lớp sơn mài - chất liệu truyền thống của Việt Nam. Sau khi nghiên cứu, anh kết hợp chất liệu sơn dầu, tạo nên ngôn ngữ biểu đạt riêng cho sáng tác của mình. Còn Nguyễn Thế Hùng lấy cảm hứng từ mô típ hoa văn cổ trên những kiến trúc lịch sử của nước Việt, thực hiện hai bức tranh Phía bên kia ký ức 1, Phía bên kia ký ức 2.
Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) khởi xướng và thành lập nhóm H&A, triển khai dự án từ đầu năm. Anh cho biết Ngày xửa ngày xưa mở đầu cho câu chuyện về di sản mà những nghệ sĩ muốn kể bằng ngôn ngữ mỹ thuật. Khi nghe họa sĩ trình bày ý tưởng, ông Nguyễn Anh Minh - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - thể hiện sự ủng hộ: ''Tôi xúc động khi nhìn thấy các tác phẩm được giới thiệu ở triển lãm lần này. Không gì tuyệt vời hơn việc lưu giữ di sản bằng hội họa, qua góc nhìn của những họa sĩ trẻ''.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đánh giá cao dự án, nhấn mạnh những hoạt động kết nối quá khứ và hiện tại cần được chú trọng để thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị cha ông để lại.
Sau triển lãm, nhóm họa sĩ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa của các vùng miền trên khắp đất nước.
* Một số tác phẩm tại triển lãm
Phương Linh