Giờ đây ở tuổi ngoài năm mươi, Caesar vẫn còn nuôi giấc mơ chinh phục các chân trời mới. Caesar hiểu rằng mình phải thu xếp xong mọi chuyện ở thành Rome trước khi đi, thế nên ông điên cuồng ban hành các đạo luật, bổ nhiệm các phán quan và giải quyết xong các vấn đề có thể phát sinh trong khi tham gia chiến dịch kéo ông rời xa thành Rome trong ít nhất ba năm. Ông đã cho mười sáu quân đoàn và mười nghìn lính kỵ binh vượt biển Adriatic để chuẩn bị cho chiến tranh. Còn mình quyết định rời thành Rome vào tiết lập xuân, ba ngày sau ngày 15/3.
Những lời đồn đại lan khắp thành Rome rằng Caesar sẽ không quay về từ phương Đông, mà sẽ di dời thủ đô của nhà nước chuyên chế La Mã sang Ai Cập hoặc tới quê hương tổ tiên ông tại Troy. Thực ra, ông có mọi lý do để quay về thành Rome một khi chiến dịch dài hơi kết thúc. Ông đã lên kế hoạch trước hết sẽ đánh người Dacia rắc rối ở hạ lưu sông Danube nhằm bảo đảm an toàn cho tộc Balkan phía bắc. Sau đó, ông sẽ hành quân băng qua Tiểu Á tới Armenia và xâm lăng đế chế Parthia từ phía bắc.
Ông định tiến bao xa ở phương Đông thì chẳng ai biết - liệu ông sẽ hài lòng với việc chinh phục được vùng Lưỡng Hà hay tiếp tục dấn thêm tới sông Indus như Alexander Đại Đế trước kia. Tuy nhiên, dù ông có thể đi xa tới đâu, những tài liệu tường thuật đều cho biết rằng ông sẽ quay về theo ngả dãy Caucasus và biển Caspi, nghiền nát các tộc Scythia hoang dã trên các bình nguyên dọc đường đi. Từ đó, ông sẽ men theo sông Danube ở phía tây tới dãy Alps và chinh phục tộc German trước khi trở về Ý qua ngả Gaul. Nếu đây là những câu chuyện kể về một vị tướng nào đó khác thì rất có thể sẽ bị quy là chuyện hoang đường, nhưng Caesar có thể đã lên kế hoạch kỹ càng chinh phục vùng Cận Đông và khắp châu Âu tới tận Biển Bắc.
Nhưng trước khi bắt đầu cuộc viễn chinh này, ông phải đối mặt với khả năng chết trận của chính mình. Caesar không có đứa con trai nào là dân La Mã đúng luật, thế nên ông đã lựa chọn đứa cháu Octavius, thừa kế ngai vàng của mình. Chàng trai trẻ vô cùng tuấn tú này còn chưa đầy mười tám tuổi, nhưng cậu đã gây ấn tượng rất lớn với Caesar. Octavius sẽ được chia ba phần tư số gia tài đồ sộ của Caesar, trong khi hai đứa cháu trai khác sẽ chia nhau phần dinh cơ còn lại của ông. Nhưng trước khi chốt di chúc, Caesar bổ sung thêm một dòng cuối, nhận Octavius làm con nuôi của mình sau khi ông mất.
Nhận con nuôi theo di nguyện và di chúc cuối cùng này rất phổ biến tại thành Rome cổ xưa, nhưng xét theo vị thế của Caesar, việc lựa chọn Octavius làm người thân đã mặc định chàng thiếu niên này sẽ trở thành người thừa kế chính trị của mình. Phòng trường hợp có bất kỳ ai nghi ngờ niềm tin của Caesar vào Octavius, vị thống lĩnh tối cao đã tuyên bố đứa cháu trai sẽ trở thành Tư lệnh Kỵ binh, vị trí từng do Mark Antony nắm giữ, ngay sau khi lên đường tham gia Chiến tranh Parthia.
Vào ngày 18/12/45 TCN, Caesar ghé thăm Campania trong vài ngày để thư giãn khi đang vạch kế hoạch cho chiến dịch chinh đông. Ngay cả khi rảnh rỗi, Caesar cũng điên cuồng suy tính. Trong khi tham dự các cuộc đua ngựa tại Circus Maximus, ông không ngừng khiến đám đông bực mình khi trả lời thư từ và lắng nghe các kiến nghị thay vì thưởng thức cuộc đua. Nhưng tại Puteoli trên vịnh Naples, Caesar đã cố gắng tìm cho mình vài khoảnh khắc thanh bình khi nhìn chằm chằm ngọn Vesuvius bên kia mặt biển.
Cicero cung cấp cho chúng ta vài chi tiết quan trọng về Caesar trong chuyến thăm khi ông ta có một ngôi nhà gần đó và được mời làm khách dự bữa tối của vị thống lĩnh tối cao. Theo nội dung lá thư ông ta viết gửi người bạn Atticus, Caesar đến cùng hai nghìn người tham dự - các tu sĩ, nô lệ và binh lính - tại ngôi nhà của người hàng xóm của ông ta tên là Philippus, cha dượng của Octavius. Dinh thự đông nghịt đoàn tùy tùng của Caesar đến nỗi hầu như họ phải chen chúc nhau trên cánh đồng gần đó. Ngày hôm sau, Caesar làm việc trong yên tĩnh hoàn toàn tới đầu giờ chiều với người tâm phúc Balbus, sau đấy họ đi dạo trên bãi biển. Vào lúc giữa chiều, ông đi tắm và nghe một báo cáo liên quan tới người ủng hộ ông là Mamurra, người mà Catullus nhiều năm trước đã buộc tội là người tình của Caesar.
Đến tối, Caesar được làm lễ xức dầu bằng nước thơm và dùng bữa tối với các vị khách. Vốn phổ biến vào thời đó, bác sĩ của Caesar đã kê một món ăn gây nôn nhằm loại bỏ sạch sẽ hệ tiêu hóa của bệnh nhân, nên vị thống lĩnh tối cao cảm thấy rất thoải mái đắm mình vào đêm hôm ấy thay vì phải tuân thủ những hạn chế theo phong tục tại bữa ăn. Cicero nói rằng bữa tối rất tuyệt vời, các trò giải trí thì sống động và chuyện trò thì ấm cúng.
Ngoài các vị khách ăn tối thuộc nhóm kín, mà Cicero là một phần trong đó, Caesar còn bày bàn ăn cho cả những ai vẫn còn là nô lệ lẫn các nô lệ đã tự do. Câu chuyện giữa Caesar với các vị khách xoay quanh văn học, chứ không phải hoạt động chính trị. Dù tất cả điều đó đã làm nên quãng thời gian vui vẻ, nhưng như Cicero nói, Caesar cùng đoàn tùy tùng của ông quá đông đúc đến nỗi sẽ hiếm ai mời lại họ lần nữa.
Khi quay về thành Rome, Caesar bắt đầu hành xử giống một vị vua hơn một nhà lãnh đạo của nhà nước Cộng hòa. Một hôm, khi đang ngồi trước ngôi đền thờ vị thần tổ tiên của ông, Venus, để điều hành công việc, một nhóm đông đảo các nguyên lão tiến về phía Caesar để tuyên bố các vinh dự mới họ đã biểu quyết dành cho ông. Caesar vừa định đứng dậy chào đón họ, thì tâm phúc của ông là Balbus thì thầm vào tai rằng nếu ông muốn mình được đối xử như kẻ cai trị thì hãy nên cư xử giống như thế.
Thế nên, bất chấp tất cả tục lệ, Caesar vẫn ngồi như nhà vua khi hội đồng được tôn trọng bậc nhất thành Rome cổ xưa đứng và nói chuyện với ông. Không chỉ các nguyên lão cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc trước hành vi ngạo mạn này, mà đám đông đi theo họ cũng choáng váng khi Caesar thể hiện sự bất kính đến thế trước hội đồng danh giá này. Khi họ đi rồi, Caesar mới nhận ra những hành động của mình vừa nãy mang tính sỉ nhục như thế nào, ông thống thiết kêu lên một tràng với bạn bè của mình rằng ông sẽ sẵn lòng kề cổ vào lưỡi dao của bất kỳ ai cảm thấy bị coi khinh. Tuy nhiên, thay vì tự sát, ông lại lan truyền một câu chuyện rằng mình bất ngờ bị ốm nên không thể đứng dậy chào đón các nguyên lão.
Cho dù Caesar là vua không chính thức của thành Rome, ông vẫn thiếu chức danh thực sự là rex (hoàng đế). Kể từ thời Tarquin Kiêu Hãnh, vị vua cuối cùng của thành Rome, bị lật đổ năm thế kỷ trước, rex là một từ bị nguyền rủa giữa những người La Mã. Là thống lĩnh tối cao trọn đời, tư lệnh của các đội quân, và trưởng tư tế của thành Rome, ông nắm trong tay quyền lực trên cả triệu người nên một chức danh của hoàng gia cũng không cần thiết. Thế nhưng, điều gì đó trong chuyện làm vua thành Rome chắc chắn hấp dẫn với Caesar.
Rốt cuộc, các tổ tiên Julius của ông đã từng là các nhà vua của Alba Longa gần đó khi thành Rome vẫn chỉ là một ngôi làng của dân chăn bò tị nạn. Vả lại, ông quản lý cả một quốc gia chuyên chế hùng mạnh trong một thế giới nơi tất cả nhà cai trị khác, cho dù là ở Ai Cập, Ấn Độ, Parthia hay thậm chí cả Anh quốc, đều là những ông vua cai trị thần dân của mình. Chắc chắn nếu tên của ông được bổ sung thêm một tước hiệu cuối thì điều đó thực sự quyến rũ Caesar - chỉ cần Viện Nguyên lão và thần dân của ông cho phép nữa thôi.
Những câu chuyện tồn tại từ những tuần đầu tiên của năm 44 TCN cho thấy Caesar đang chơi đùa với ý tưởng vương quyền - công khai từ chối tước hiệu, nhưng ông làm thế một cách miễn cưỡng như thể đang muốn thăm dò. Xuất hiện lời đồn đại (do Caesar lan truyền chăng?) rằng các cuốn sách Sibylline linh thiêng đã tiên tri chỉ một vị vua mới có thể chinh phục được đế chế Parthia. Em họ Caesar, Cotta, một trong các thầy tư tế phụ trách biên dịch các văn bản này, đề xuất rằng Caesar nên được gọi là rex, nhưng chỉ ở bên ngoài nước Ý.
Trong một diễn biến khác, người ta phát hiện một trong các bức tượng Caesar ở Quảng trường được trang hoàng một dải ruy băng quanh đầu, một biểu tượng vương quyền ở phương Đông. Hai viên quan bảo dân là Marullus và Flavius ngay lập tức ra lệnh lấy nó xuống, tuyên bố rằng Caesar không cần những thứ chướng mắt như vậy. Trong một phần miêu tả, Caesar thể hiện sự phật ý khi bị hai người này tháo mất tấm ruy băng, trong một đoạn miêu tả khác, ông lại phật ý vì hai người này không cho phép ông tự mình tháo nó xuống. Lại có các nguồn tài liệu khác cho rằng Caesar nghĩ Marullus và Flavius đã dàn dựng mọi chuyện khiến dân chúng phản đối nỗ lực nắm vương quyền của ông.
Không lâu sau đó, Caesar đang cưỡi ngựa quay về nhà thì ai đó trong đám đông lên tiếng gọi ông là vua. Vị thống lĩnh tối cao phá lên cười và hét lên: "Tên tôi là Caesar, chứ không phải Hoàng đế." Nhưng Marullus và Flavius chộp ngay lấy vị khán giả xúc phạm, lôi xềnh xệch người này tới tòa án. Lần này, Caesar tin rằng sự có mặt của hai viên quan bảo dân là đúng chỗ đúng lúc quá mức, và ông cho rằng họ đang cố gắng khiêu khích đám đông. Ông lôi họ đến trước Viện Nguyên lão và tuyên bố rằng họ đáng chết vì tội thao túng quần chúng nhân dân một cách quỷ quyệt.
Ông khẳng định họ đang cố gắng gán cho ông tước hiệu vua ô uế trái với ý muốn của ông. Hai người đó kêu lên rằng Caesar đang cản trở họ thực hành các quyền lợi thiêng liêng của một quan bảo dân. Cuối cùng, cả Marullus và Flavius bị tước hết các quyền ở Viện Nguyên lão, cho dù vẫn giữ được mạng sống. Rất khó để biết có phải họ chen ngang nỗ lực được dàn xếp của Caesar để dân chúng ca ngợi mình là vua không, hay phải chăng họ thực sự đứng đằng sau toàn bộ chuyện này để trông như thể ông đang giành lấy một tước hiệu hoàng gia.
Vấn đề vương quyền cuối cùng cũng nổi lên vào ngày lễ hội tế thần chăn nuôi Lupercalia vào ngày 15/2. Ngày hội này lâu đời đến nỗi không ai hiểu biết tí gì về nguồn gốc của nó hay ý nghĩa của các nghi lễ là gì. Lễ hội được thực hiện bởi hội huynh đệ của Lupercalia, rõ ràng họ tự lấy cho mình cái tên đó từ chữ Lupa (nghĩa là sói cái), những con thú đã dùng sữa của mình nuôi lớn những đứa trẻ Romulus và Remus. Trước tiên, một con chó và vài con dê được đem hiến tế trong một hang động trên đồi Palatine, nơi con sói đã nuôi dưỡng hai đứa trẻ.
Máu từ con dao hiến tế được bôi lên trán của hai đứa bé trai, vì lý do nào đó hai đứa bé sẽ phải cười, rồi chúng được lau sạch vết máu bằng khăn mặt được ngâm trong sữa. Sau nghi lễ này, các thành viên của hội huynh đệ - hoàn toàn trần truồng, chỉ quấn quanh eo và lưng các tấm da của những con dê tế thần - chạy xung quanh trung tâm thành Rome, đánh các phụ nữ đang tỏ ra háo hức bằng roi da làm từ da dê để thanh tẩy (februare, thế nên chúng ta có tháng Hai gọi là February). Hành động này còn được cho là nhằm kích thích khả năng sinh sản và xoa dịu những nỗi đau khi sinh nở.
Năm nay, Mark Antony làm quan chấp chính và cũng là người trong hội huynh đệ Lupercalia được tuyển chọn mang roi da chạy khắp phố phường. Khi anh ta tới Quảng trường thì thấy Caesar đang ngồi trên ngai vàng, mặc chiếc áo choàng màu tím. Bỗng anh ta rút ra chiếc vương miện bằng vòng nguyệt quế giấu đâu đó dưới tấm da dê của mình rồi giơ ra cho Caesar và thốt lên: "Người ta nhờ tôi đưa cho ngài chiếc vương miện này."
Đám đông thảy đều im lặng chú ý tới cử chỉ được xem là hợp lòng dân này khi Caesar ngồi đó nhìn chằm chằm vào món quà trong tay Antony. Anh ta lại đề nghị ông nhận chiếc vòng nguyệt quế lần nữa, nhưng Caesar gạt đi và tuyên bố: "Chỉ thần Jupiter mới là vua của dân La Mã thôi!" Đến lúc này, đám đông chợt vỗ tay vang dội.
Vài nhà bình luận xưa nói rằng Caesar đã dàn dựng cảnh tượng này hòng dẹp yên một lần và mãi mãi bất kỳ lời đồn đại nào cho rằng ông đang thèm khát vương quyền. Bằng cách từ chối vương miện trong những bối cảnh công khai nhất, ông đang khẳng định vô cùng rõ ràng mình không có tham vọng muốn làm vua. Nhưng hầu hết nguồn tài liệu đều có quan điểm trái ngược, cho rằng Caesar đã dàn xếp cho Antony trao cho mình biểu tượng vương quyền để ông có thể thăm dò phản ứng của dân chúng La Mã và chấp nhận chế độ quân chủ nếu họ đồng thuận. Vì hóa ra họ không hề đồng tình chuyện đó, nên ông đạo diễn một màn xuất sắc là từ chối món quà của Antony.
Bất luận thế nào, hầu hết giới quý tộc La Mã chắc chắn tin rằng Caesar hẳn sẽ trở thành vua thành Rome vào ngày hôm đó nếu đám đông đứng về phía ông, nên họ háo hức bắt đầu các kế hoạch của mình. Cicero, người chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh tượng đó, sau này đã viết rằng lễ hội Lupercalia đã đánh dấu sự khởi đầu của kết cục dành cho Caesar.
Phần 1, còn tiếp
(Trích Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã, Nguyễn Quang Huy dịch)