Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã (tác giả Philip Freeman) xuất bản ở Mỹ năm 2008, bản tiếng Việt ra mắt trong nước vào tháng 6. Sách khái quát cuộc đời Caesar (100 TCN-44 TCN), cho thấy cách ông thống trị một La Mã mới hùng mạnh và định hình vận mệnh của nó.
Dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng ba phần. Tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Vào tháng hai năm 44 trước Công Nguyên, con gái của Cicero là Tullia qua đời. Cho dù cái chết của một đứa trẻ là chuyện quá phổ biến tại thành Rome cổ xưa, Cicero vẫn rất đau lòng. Một trong các người bạn của ông, Servius Sulpicius Rufus, biên thư cho ông từ Hy Lạp ngay sau khi nghe được tin.
Servius từng là quan chấp chính và là một trong các luật sư hàng đầu thời đó. Ông ta miễn cưỡng gia nhập lực lượng của Pompey khi cuộc nội chiến bắt đầu, nhưng Caesar vui mừng tha thứ cho ông ta, thậm chí còn bổ nhiệm ông ta làm tỉnh trưởng Hy Lạp. Lá thư của Servius bắt đầu bằng mấy dòng cảm thông chân thành với mất mát của Cicero, rồi nhanh chóng biến thành than khóc không chỉ vì đứa con gái, mà còn cho cả thành Rome:
"Hãy nhìn xem vận mệnh đã trêu đùa chúng ta ra sao. Có những thứ một người đàn ông cần nắm giữ mà cũng quý giá không kém con cái của anh ta - đó là đất nước, danh tiếng, phẩm giá và danh dự - nhưng giờ tất cả đều mất hết. Liệu bất hạnh này của ngài có thực sự khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn không?"
Sự phản đối của các kẻ thù không đội trời chung như Cato hoặc Labienus là một chuyện, nhưng với chiến thắng đã giành được lúc này, những người có quan điểm ôn hòa như Servius và ngay cả các bạn cũ của Caesar như Gaius Trebonius cũng chỉ cảm thấy sự giận dữ và tuyệt vọng khi ông đã tạo nên một thành Rome mới mẻ. Làm sao một người giành được cả thế giới lại không có được sự ủng hộ của những kẻ đã trung thành phụng sự ông ta?
Caesar vẫn chẳng hề hay biết gì về những mối ác cảm đang bủa vây quanh ông cho đến khi Cicero cho ra mắt một bài tán tụng có nhan đề Cato ca ngợi nhà quý tộc đã bỏ mạng ngay sau chiến dịch châu Phi. Trong tác phẩm này, Cato được khắc họa như hình mẫu lý tưởng của đức hạnh La Mã, một kẻ tử vì đạo cho nhà nước Cộng hòa cũ. Caesar nổi giận với Cicero, nhưng lấn át cả cơn giận đó của ông là cảm giác bối rối khi cuốn sách được dân chúng đón nhận nồng nhiệt. Như luôn thế, Caesar không tài nào hiểu nổi tại làm sao người ta không thể nhìn ra một điều đã quá rõ ràng đối với ông - nhà nước Cộng hòa này đã chết rồi. Hơn nữa, còn là một cái chết xứng đáng vì nó chỉ phục vụ cho mục đích kéo dài mãi mãi sự thống trị và giàu có của một vài gia đình quyền lực chứ chẳng có lợi gì cho bất kỳ ai. Biến Cato thành người anh hùng sáng chói của cái hệ thống thất bại và thối rữa đó thì không thể tha thứ được.
Caesar cưỡng lại cơn thúc giục phải chặt đầu Cicero, thay vào đó ông gửi một lá thư nồng ấm tới nhà hùng biện tán dương văn phong trác tuyệt của ông ta. Nhưng ngay sau khi cuộc chiến tại Tây Ban Nha kết thúc, Caesar đã viết ngay một bài đáp trả độc địa mang tựa Chống Cato. Tác phẩm này, đến nay đã bị thất lạc chỉ còn vài đoạn, chính là một trong những sai lầm lớn nhất của Caesar. Thay vì lờ bài ca ngợi Cato kia đi, Caesar lại trút hết sự hằn học với đối thủ đã chết theo cách thô lỗ nhất. Ông nguyền rủa Cato là kẻ kẹt sỉ, nát rượu và là kẻ chủ mưu vô tâm dâng hiến cả vợ mình, Marcia, cho người bạn giàu có của ông ta là Hortensius, chỉ để sau này có thể cưới lại bà ta:
"Tại sao Cato lại từ bỏ người vợ mà hắn yêu? Hay nếu không hề yêu thương bà ta, tại sao hắn lại còn mang bà ta quay về? Chắc chắn là hắn đã sử dụng bà ta làm mồi nhử Hortensius để sau này có thể đưa bà ta về với tư cách một góa phụ sang giàu".
Như Plutarch nói, gọi Cato tham lam cũng chẳng khác gì bảo Hercules là hèn nhát. Ngay cả những người bạn thân thiết nhất của Caesar cũng xấu hổ trước bài tố cáo vô căn cứ này đối với một kẻ đã chết. Cicero rất vui mừng trước phản ứng thái quá của Caesar đến nỗi ông ta thúc giục bất kỳ ai hãy đọc Chống Cato vì tính hận thù của nó chỉ khiến Cato trở nên cao quý hơn nhiều trước Caesar.
Brutus tham gia vào cuộc xung đột ngay sau đó bằng cách cho ra mắt tập sách nhỏ của riêng mình ca ngợi Cato. Caesar không bao giờ tin rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ chân thành của Cicero, nhưng ông luôn cố gắng kéo Brutus đứng về phía mình. Caesar đã ca ngợi nỗ lực phụng sự của anh ta khi làm tỉnh trưởng vùng lãnh thổ của người Gaul trên đất Ý, và tuyên bố rằng ông đang muốn đề cử Brutus làm pháp quan, rồi sau đó làm quan chấp chính xem như phần thưởng. Caear vẫn không lung lay niềm tin vào chàng thanh niên này ngay cả khi Brutus kết hôn với con gái của Cato, Portia, góa phụ của kẻ thù cũ của ông, Bibulus. Vị thống lĩnh tối cao hẳn sẽ không bao giờ tin tưởng bất kỳ ai khác có những tuyên bố rõ ràng về giá trị của giới quý tộc như thế, nhưng tình cảm của Caesar đối với Brutus vẫn không giảm bớt.
Có vẻ Caesar chẳng học được gì từ những sai lầm trong các cuộc diễu hành khải hoàn vào năm ngoái. Người dân La Mã yêu thích một màn trình diễn hấp dẫn, nhưng khi Caesar quyết định kỷ niệm chiến thắng trước những kẻ ủng hộ Pompey tại Tây Ban Nha bằng cách tổ chức màn diễu hành chiến thắng hoành tráng qua các con phố của thủ đô, nó lại hóa thành một thảm họa về quan hệ công chúng. Gaul và Ai Cập là những cuộc chiến tại nước ngoài và ngay cả ở châu Phi thì Caesar cũng có thể tranh luận rằng một phần đáng kể đội quân thất bại là người Numidia của Juba, nhưng người La Mã xem chiến thắng tại Tây Ban Nha như màn thảm sát những người con trai và anh em của chính họ. Họ hiểu rằng Caesar cần thiết phải đánh bại những kẻ cuối cùng của phe nổi loạn, nhưng tổ chức một lễ kỷ niệm công khai như thể ông đã chinh phục được người Pict18 da xanh ở Caledonia là điều cực kỳ khó chịu.
Chẳng ai nắm quyền lực có đủ can đảm phản đối hành vi của Caesar, ngoại trừ một viên quan bảo dân trẻ tuổi tên là Pontus Aquila. Khi Caesar đi qua trong cỗ xe khải hoàn, tất cả các pháp quan đều đứng dậy vinh danh ông - ngoại trừ Aquila. Caesar tức tối trước sự bất kính công khai của chàng trai trẻ đến nỗi bất chấp phong tục, ông nói lớn: "Quan bảo dân Aquila, sao ngươi không thử giành lại chính quyền từ tay ta xem?". Bốn ngày sau đó, cứ hễ khi nào hứa hẹn điều gì đó với bất kỳ ai, ông không quên bổ sung thêm lời chế nhạo thẳng thừng: "Chuyện đó thì còn phải chờ xem Pontus Aquila có cho phép tôi không đã!".
Tuy nhiên, các nguyên lão còn lại thì tranh nhau bợ đỡ vị thống lĩnh tối cao bằng những vinh dự ngày càng lớn. Ông được phép mặc trang phục khải hoàn tại tất cả các cuộc thi đấu thể thao với vương miện nguyệt quế. Chiến thắng của ông tại Munda sẽ được kỷ niệm hàng năm với những cuộc đua tại Circus. Viện Nguyên lão trao tặng ông danh hiệu người giải phóng và thống soái, một danh hiệu mà trước đó từng bị cấm ban tặng cho các vị tướng chinh phục, và sẽ được tự động truyền lại cho các con trai và cháu trai của ông mà không cần có các chiến thắng quân sự.
Một chiếc ghế bằng vàng được chế tạo thoải mái dành riêng cho ông trong phòng họp Viện Nguyên lão, đồng thời nhà nước xây dựng một ngôi đền thờ nữ thần tự do vinh danh ông cũng như một cung điện riêng cho ông sinh sống trên đồi Quirinal. Ngày sinh nhật của Caesar được tuyên bố từ đó trở đi sẽ là ngày nghỉ lễ của cả nước. Hơn nữa, tháng sinh của ông, mà trước đây chỉ được biết tới như Quinctilus (tháng thứ năm, từ khi năm La Mã bắt đầu vào tháng ba) được đặt tên lại là Julius để vinh danh ông - tức là tháng bảy theo lịch hiện đại ngày nay. Ông được phép diện biểu trưng và y phục màu tím của các vị vua La Mã xưa và sẽ được chôn cất, trái với tất cả các truyền thống, bên trong phạm vi thành phố. Ông được tôn xưng là vị cha già của đất nước và được làm quan chấp chính trong mười năm. Đáng kể hơn nữa, ông được xem là thống lĩnh tối cao trọn đời.
>> Còn tiếp
(Trích Julius Caesar - nhà độc tài huyền thoại của La Mã, Nguyễn Quang Huy dịch)