Ngày 25/7, Ban thường vụ Trung ương ra nghị quyết thành lập Đảng ủy mặt trận biên giới gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Bùi Quang Tạo do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư. Dạo ấy, Trung đoàn 174 chúng tôi đang luyện tập kỹ. thuật, chiến thuật ở vùng Trùng Khánh (Cao Bằng) với khí thế sẵn sàng tham dự chiến dịch Thu Đông. Tuy chưa biết ở hướng chiến trường nào nhưng cán bộ và chiến sĩ đều mang chung một ý nghĩ: Thu Đông này ta sẽ đánh lớn.
Ngày 30/7, tôi được lệnh triệu tập đến sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tham mưu họp. Địa điểm này ở dưới chân dãy núi đá vùng Quảng Uyên. Trên chọn chỗ này thật quả là đắc địa. Từ đây có đường ra Cao Bằng, có lối xuống Đông Khê. Lui về hậu phương có đường qua Nước Hai, về Bắc Cạn; đi ngả Trùng Khánh đến Phục Hòa thông được sang bên kia biên giới.
Đến nơi họp, ngoài các đồng chí trên Bộ, tôi được gặp lại nhiều đồng chí quen biết qua những lần phối hợp chiến đấu trên trục Đường số 4 năm ngoái. Anh Vương Thừa Vũ và các anh Thái Dũng, Vũ Yên, Vũ Lăng, Hồng Sơn của Đại đoàn 308. Anh Lê Trọng Tấn Trung đoàn độc lập 209, anh Doãn Tuế ở pháo binh...
Anh Hoàng Văn Thái phổ biến mục đích của chiến dịch tiến công biên giới Thu Đông năm này nhằm:
- Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.
- Giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa.
- Mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Sau đó, anh đưa dự kiến kế hoạch tác chiến sẽ lấy Cao Bằng làm mục tiêu số 1, thứ đến Đông Khê rồi Thất Khê. Giải phóng được Cao Bằng, ta mở thông đường với toàn phe xã hội chủ nghĩa, tạo ra nhiều thuận lợi cho công cuộc kháng chiến. Khi mọi người nắm được sơ đồ, vị trí và tình hình địch rồi, anh Thái giao nhiệm vụ để các cán bộ về tổ chức, trinh sát nghiên cứu chiến trường, báo cáo về Bộ. Lúc đó sẽ quyết định cuối cùng về kế hoạch phương án tác chiến cụ thể cho từng đơn vị.
Trước lúc ra về, anh Thái nói với tôi:
- Nếu đánh Cao Bằng, Trung đoàn của cậu sẽ là mũi chủ công đấy.
Tôi về kể lại mọi chuyện với anh Mân, anh gật gù:
- Trên đã tin tưởng, là phải làm cho tốt. - Anh lại nói thêm: - "Ông Việt này, giá trên cho ta đánh cái Đông Khê, ngon ăn hơn".
Tôi rất hợp ý với chính ủy vì hồi tháng 5 vừa qua, Trung đoàn chúng tôi đã tiêu diệt nhanh gọn Đông Khê, giết tên đồn trưởng Ca-ga-nô-va (Giacomo Girolamo Casanova) ngay từ loạt đạn pháo đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên Trung đoàn 174 chúng tôi đánh công kiên vào một cụm cứ điểm tương đối rắn, do toàn bọn Lê dương (phiên hiệu là 3e REI) chiếm giữ. Dạo ấy sau khi tôi an dưỡng ở bản Thắc Thủy về, huấn luyện xong bộ đội, chúng tôi thực hiện nghị quyết của Đảng ủy: "Tìm địch mà đánh. Nó đóng trong đồn thì ta công kiên một trận rút kinh nghiệm".
Anh Mân bàn với tôi:
- Ta nghiên cứu tình hình cái Đông Khê coi!
Chúng tôi bàn với các cán bộ tham mưu và Tiểu đoàn. Anh em hăng hái hưởng ứng. Thế là tôi tổ chức đi trinh sát thực địa, nghiên cứu cách đánh. Chúng tôi tập kết ở xã Vân Trình, nhà cụ Việt An, cách Đông Khê 10 km.
Cụ Việt An sau này là Chủ tịch Ủy ban huyện Đông Khê, có con là Nguyễn Văn Khoa, hiện nay là Bí thư huyện ủy Đông Khê.
Ngày ấy có bộ phận tiền phương của Bộ Tổng tham mưu ở gần kề với Trung đoàn do anh Phan Phác, quyền Tổng tham mưu phó phụ trách. Tôi gặp anh đề xuất ý kiến và xin được đánh Đông Khê sau khi đã trinh sát nghiên cứu kỹ. Anh Phan Phác đồng ý và bảo sẽ báo cáo về Bộ. Thế là chúng tôi đánh.
Nhớ lại trận đó, hôm Trung đoàn chiếm lĩnh trận địa, trời đổ mưa to, suối ngập đầy, bộ đội hành quân rất khó khăn, anh Mân với tôi phải leo lên một mỏm núi đá. Chúng tôi đặt sở chỉ huy trên đó, trước cả trận địa pháo 75, cách phố Đông Khê chừng 300 m. Mưa như xối, vách đá dựng đứng lại rất trơn, chỉ vô ý một chút là lăn xuống chân núi như chơi. Từ trên đỉnh núi, chúng tôi quan sát được toàn cảnh thị trấn Đông Khê, nhìn rõ cả pháo đài, sở chỉ huy địch. Bọn Lê dương nhốn nháo đi lại, đứa chặt cây, đứa bổ củi, hò hét nhau nhặng xị.
Đúng 5h ngày 25/5, tôi hạ lệnh công kích. Hai khẩu pháo bố trí ở dãy núi Yên Ngựa bắn vào Cạm Phầy. Theo kế hoạch, chúng tôi định áp đảo ngay từ phút đầu tiên, chiếm lấy Cạm Phầy vì đồn này ở trên núi cao, chiếm được nó không khác gì chúng ta ngồi lên đầu cả phân khu Đông Khê. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên, Trung đoàn đánh hiệp đồng bộ pháo, mà pháo ngày đó bắn còn kém. Đạn pháo cứ nổ lưng chừng núi, không phát nào trúng đồn cả. Trong khi đó, địch phản pháo dữ dội, Tiểu đoàn trưởng Kha và một số pháo thủ của ta hy sinh sau một loạt đại bác 75 ly bắn thẳng của địch; xung kích của Tiểu đoàn 257 không sao tiếp cận được, đã hết nửa cơ số đạn mà đột phá khẩu chưa mở được. Tôi và anh Mân bàn tính: "Tình hình này không ổn, địch có thể còn gọi phi cơ yểm trợ nếu chúng tổ chức phản xung phong thì sao. Cần phải dừng lại, củng cố đã".
Chúng tôi cho lệnh tạm ngừng. Các đơn vị giấu quân, đảm bảo an toàn, chống phi pháo địch. Vận chuyển tiếp tế gấp cho trận địa pháo 100 viên nữa. Tối nay đánh tiếp. Cả ngày hôm ấy chúng tôi bị máy bay địch từ Hà Nội lên liên tiếp thả bom và bắn phá. Từ sở chỉ huy nhìn lên các mỏm núi đá phía Bắc và Đông Bắc, trước đây xanh rì nay phờ phạc. trắng xóa, như những quả núi vôi. Nhưng tất cả bộ đội đều thoải mái nghỉ ngơi trong các hang sâu.
Trong đồn chính của giặc có nhiều tiếng cưa xẻ và đóng đinh. Địch cũng không dám đánh ra, chỉ dùng phi pháo nã liên hồi, hết đợt này tới đợt khác. Sau này, khi đã chiến thắng, chúng tôi mới vỡ lẽ: tên quan ba Ca-ga-nô-va chỉ huy trưởng đã bị giết ngay từ phát đầu của ta. Tiếng đóng đinh, chính là chúng làm quan tài cho tên chỉ huy xấu số. Đây cũng là sự bối rối của chúng suốt ngày hôm đó. Buổi chiều, đúng lúc sẩm tối, khi bốn chiếc Hen-cát cuối cùng chỉ còn là những chấm đen ở chân trời hướng về Hà Nội, tôi hạ lệnh nổ súng. Qua một ngày bàn bạc tính toán, pháo ta bắn rất tốt. Chúng tôi chiếm Cạm Phầy và như từ trên nóc nhà đánh thọc xuống chiếm khu pháo đài, trung tâm chỉ huy thông tin và hoả lực của địch và như thế chẻ tre, tỏa xuống phố chiếm đồn, khu nhà thương Phủ Thiện, giành thắng lợi ngay trong đêm ấy. Sáng sớm ngày 27 tháng 5, tôi và anh Mân ung dung từ sở chỉ huy trên núi xuống, vào thăm thị trấn Đông Khê còn ngổn ngang kho tàng để xác nhận kết quả trận đánh.
Trận ấy Trung đoàn chúng tôi có một khuyết điểm là không có kế hoạch đánh bọn viện binh nhảy dù đến chiếm lại đồn, vả lại cũng nghĩ: "Nó có chiếm lại cũng phải dăm bữa nửa tháng". Ai dè đối với địch, Đông Khê là một tiểu khu quan trọng, lá chắn của Cao Bằng, nên chúng vội vàng cho quân nhảy dù chiếm lại ngay ngày hôm sau. Còn chúng tôi thì đã cho đơn vị rút, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ cùng dân công thu dọn chiến trường. Khi địch nhảy dù chiếm lại, các Tiểu đoàn của chúng tôi đang trên đường hành quân về hậu cứ khó tính chuyện quay lại. Cả Trung đoàn cứ tiếc mãi.
Nhưng có lẽ sự ấu trĩ của chúng tôi đã tạo ra cho địch thói chủ quan. Chúng lầm tưởng thất thủ Đông Khê lần đó là do sự rủi ro đem lại cái chết của tên Ca-ga-nô-va, chỉ huy cụm cứ điểm nên ảnh hưởng tới cục diện chiến đấu; ta đánh xong, vội rút bỏ, hẳn là cũng bị tổn thất nặng. Mọi suy luận đó đã dẫn tới việc giặc tuy có tăng cường bố phòng Đông Khê mạnh hơn, nhưng vẫn chủ quan và không hề biết gì tới số phận của nó là mục tiêu lựa chọn của ta trong chiến dịch Biên giới sắp tới.
Phần 1. Còn tiếp.
Đặng Văn Việt (1920-2021), là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên của ông là Quốc công Đặng Tất và danh tướng Đặng Dung có bài thơ Thuật hoài nổi tiếng đời Hậu Trần.
Ông là người treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, Huế vào ngày 17/8/1945 cùng người bạn học Cao Pha, Võ Quang Hổ trong cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Khi Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đặng Văn Việt gia nhập quân đội Việt Minh và bắt đầu chiến đấu ở chiến trường Huế, được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào 1945), Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 7 (Thượng Lào 1946). Nhờ thành tích trong chiến đấu, ông được điều ra chiến khu Việt Bắc làm lãnh đạo Ban nghiên cứu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.
Tên tuổi của Đặng Văn Việt gắn với những chiến công tại các trận: Bông Lau - Lũng Phầy, Bố Củng - Lũng Vài, Bản Nằm, Đông Khê, Bình Liêu. Năm 1953, ông đi học trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam và được giữ lại làm cán bộ nhà trường. Đặng Văn Việt được phong trung tá năm 1958 trong đợt phong quân hàm chính quy đầu tiên của quân đội. Ngoài viết hồi ký, ông còn dịch, biên soạn một số tác phẩm về chiến tranh xung quanh con đường số 4 lịch sử, trong đó có cuốn Con đường tử địa - sách của Charles Henry de Pirey, sĩ quan chỉ huy đại đội Pháp.
(Trích sách Hùm xám đường số 4, NXB Lao động)