Đại tá Đặng Văn Việt năm 27 tuổi. |
- Cảm giác của ông thế nào khi đọc xong bản gốc "Con đường tử địa" của Charles Henry de Pirey?
- Sự miêu tả của Pirey không hề quá so với sự thật của cuộc chiến. Khi đọc lại, tôi thấy người Pháp đã thật sự vấp phải khó khăn ngoài mức tưởng tượng, hơn tất cả những điều mà những người sống trong thời bình có thể nghĩ đến.
Để có được chiến thắng này, chúng ta đã chiến đấu bằng tất cả sức mạnh. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, ăn uống kham khổ, nhưng đời sống tinh thần những người lính vô cùng lạc quan và vui vẻ. Bởi lẽ, trước kẻ địch, nhiều khi vũ khí tối tân không phải là điều quyết định. Điều quyết định chính là lòng dũng cảm và tinh thần quật khởi.
Con đường tử địa - tác giả Charles Henry de Pirey, dịch giả Đặng Văn Việt. |
- Là người biên soạn cuốn sách do người Pháp viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, ông nhận thấy suy nghĩ của người Pháp đối với người Việt như thế nào?
- Khi viết lại lịch sử, Pirey đã viết với tinh thần kính trọng, bằng lời văn và sự tôn trọng cuộc chiến giữa Pháp với Việt Nam khách quan, đúng mực.
Chiến tranh xảy ra là do sự tính toán sai lầm của lãnh đạo cấp cao quân đội Pháp. Người Pháp lầm tưởng về nhân dân Việt Nam, lầm tưởng về sức mạnh tinh thần cũng như sức mạnh cơ bắp của người Việt Nam. Họ đã phải nhận những kết quả không sao gánh đỡ.
- Ông đã gặp Charles Henry de Pirey chưa?
- Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng một đoạn thư tôi viết cho de Pirey: "Ông và tôi là hai đối thủ ở 2 trận tuyến. Qua xem sách, tôi mới biết chúng ta từng gặp nhau rất nhiều lần trên đường số 4, quốc lộ 18... nhưng chưa một lần nhìn thấy mặt nhau. Cũng may là chúng ta chưa gặp nhau, bởi nếu gặp, thì nghĩa là tôi hoặc anh sẽ ra đi. Và cuộc hội đàm ngày hôm nay đã không thể diễn ra".
- "Con đường tử địa" đã được Charles Henry de Pirey viết xong từ năm 1954, nhưng cho đến 2004, tức là sau 50 năm nó mới được phép in?
- Cuốn sách nói lên sự đau thương của một trận chiến không thành công. Bởi nó không thành công, nên nó không được phép nhắc đến. Sau 50 năm, nhận thức về cuộc chiến đã khác đi. Người Pháp công nhận thất bại, công nhận rằng hai dân tộc cần sống chung hòa bình. Do đó, họ không cần bưng bít sự thật đã thua trí tuệ Việt Nam.
- Tác giả của "Con đường tử địa", Charles Henry de Pirey, chính là sĩ quan chỉ huy đại đội tinh nhuệ Pháp. Theo ông, vì sao đội quân tối tân của Pirey lại thất bại bởi quân đội Việt Nam thiếu thốn và khó khăn ?
- Chiến trận Biên giới, chỉ trong 5 ngày, tất cả tiểu đoàn trưởng đều hy sinh, tổng cộng mất hơn 5.000 quân. Sai lầm trong chỉ huy của quân đội Pháp là đã đưa lính Pháp - những người vốn quen với cuộc sống tiện nghi, hoàn toàn xa lạ với thiếu thốn, đói khát vào rừng rậm ăn chực nằm chờ. Chỉ với một miếng bánh trong cơn đói, họ cũng dễ dàng biến thành tù binh với ngay cả một phụ nữ chân yếu tay mềm.
Trọng Nguyên thực hiện