VnExpress trích đăng một số phần sách Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, tưởng nhớ ngày mất của họa sĩ Bùi Xuân Phái (24/6/1988-24/6/2023). Tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Đề tài khỏa thân được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ từ thập niên 1960. Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai ông, Bùi Xuân Phái từng nói vui: "Những tranh khỏa thân của mình chỉ là ý niệm đã qua, của một thời đã mất".
Hầu hết ở các tranh khỏa thân, ông sử dụng chất liệu sơn dầu. Ông vẽ khỏa thân trước biển, khỏa thân trong nội thất, khỏa thân ở hậu trường chèo, có cả những bức vẽ người nữ khỏa thân nằm trên mái nhà phố cổ, gợi nhớ tác phẩm Le nu au-dessus de Vitebsk của Marc Chagall năm 1933. Bên dưới một bức tranh Thiếu nữ ngủ ngày bán khỏa thân, Bùi Xuân Phái viết: "Cái đẹp tồn tại được có lẽ vì lúc nào nó cũng mới".
Khỏa thân là một đề tài lớn, xuyên suốt trong nghệ thuật tạo hình phương Tây và ở các dân tộc chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, nhưng ở Á Đông, do thế giới quan Nho giáo nên những hình ảnh tả thực về cơ thể con người không được đề cao, ngoại trừ dòng tranh Shunga (Xuân họa) thuộc trường phái Ukiyo-e (Phù thế hội) phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản từ thế kỷ 17 tới thế kỷ 19, khai thác chủ đề erotic - đời sống tình ái. Mỹ cảm trong các bức tranh khỏa thân là vẻ đẹp của cơ thể con người.
Trong nghệ thuật phương Tây, vẻ đẹp cơ thể trở thành một chủ đề quan trọng khởi đầu từ thời Phục hưng, thời kỳ lịch sử diễn ra phong trào văn hóa Phục hưng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17. Các nghệ sĩ thời Phục hưng được gọi là những người theo chủ nghĩa nhân văn khi họ thể hiện tác phẩm theo tinh thần đề cao các giá trị đời sống và tôn vinh con người - chủ thể của lịch sử. Những tác phẩm này bao gồm nhiều kiệt tác của các danh họa Raphaello, Michelangelo, Leonardo da Vinci vẽ hình ảnh khỏa thân của con người mà điển hình là bức tranh tường trên trần Nhà nguyện Sistina, thành Vatican, do Michelangelo sáng tác vào khoảng năm 1511.
Có thể thấy những hình ảnh khỏa thân ở đây có cả cơ thể người nam và người nữ vì vẻ đẹp cơ thể con người vốn không phân biệt giới tính, nhưng càng về sau việc vẽ khỏa thân nam càng ít dần, có lẽ là do các họa sĩ chủ yếu là nam giới nên đề tài khỏa thân nữ được chú trọng hơn. Chúng ta có thể thấy sự cân bằng giới tính trong đề tài tranh khỏa thân, từ những bước khởi đầu của nghệ thuật tạo hình phương Tây thời Trung cổ qua hình ảnh Adam và Eva, người đàn ông đầu tiên và người đàn bà đầu tiên theo Kinh Thánh Ki tô giáo, một ví dụ là kiệt tác của Jan van Eyck, bộ tranh khổng lồ trang trí bệ thờ của Nhà thờ St. Barvia, ở thành Ghent, Bỉ, hoàn thành năm 1432.
Sau Jan van Eyck, các họa sĩ và nhà điêu khắc phương Tây cũng chọn đề tài khỏa thân ở cả hai giới, trong khi hầu hết nghệ sĩ Ý thế kỷ 15 lại chọn tập trung vào cơ thể nam giới, tuy cũng có những trường hợp ngoại lệ như Sandro Botticelli với tác phẩm kinh điển về hình ảnh người nữ khỏa thân là bức Thần Vệ Nữ sinh thành (The birth of Venus) vẽ trong khoảng 1480-1485.
Hình ảnh người nam khỏa thân nổi tiếng nhất có lẽ là bức tượng David của Michelangelo được tạc trong khoảng 1501-1504. Sau này, những bức tranh tả thực khá trần trụi nhưng vẫn rất đẹp của họa sĩ Lucian Freud (1922-2011) lại là một lối rẽ khác cho hội họa khỏa thân nam. Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của việc hình ảnh người nữ khỏa thân chiếm địa vị thống trị trong nghệ thuật tạo hình ở cả phương Đông lẫn phương Tây là văn hóa phồn thực của tất cả dân tộc từ thuở xa xưa đã tôn vinh người phụ nữ như biểu tượng của sự sinh sôi trù phú, mang lại đời sống cho các thế hệ con người.
Kể từ các bức tượng cổ nhất tạc hình người nữ với sự "phì nhiêu" thấy rõ ở các bộ phận cơ thể có liên quan đến sự sinh sản và nuôi dưỡng, cho tới hội họa hiện đại, mỹ cảm về cơ thể người nữ đã đi một bước rất dài. Việc tôn vinh vẻ đẹp cơ thể con người - đặc biệt là người nữ - vượt qua các cấm kỵ tôn giáo hay đạo đức là một hành trình gian nan, từ chủ nghĩa hiện thực và tượng trưng buổi đầu tới các trường phái hội họa biểu hiện, lập thể, siêu thực sau này. Hình ảnh người nữ khỏa thân đầy vẻ khêu gợi quyến rũ vốn có liên hệ tới nhu cầu thể hiện những khao khát dục tình của con người là tự nhiên và xứng đáng được tôn trọng, vì điều đó thể hiện tinh thần nhân văn trong sáng tạo và cảm thụ mỹ thuật.
Một hành trình dài, từ những hình ảnh khỏa thân hiện thực và gợi cảm tới mức nhức mắt khiến gây họa như bức Rokeby Venus của danh họa Diego Velázquez vẽ năm 1651 từng bị một người theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan chém tơi tả ngay trong phòng triển lãm, may mà bức tranh được một nhà phục chế đại tài cứu vãn để hậu thế có thể tiếp tục chiêm ngưỡng tác phẩm khỏa thân kín đáo nhất nhưng cũng tình tứ bậc nhất này. Velázquez lại lấy cảm hứng từ bức tượng khỏa thân Hermaphroditus đang ngủ (Sleeping Hermaphroditus) thời Hy Lạp cổ đại khai quật năm 1608.
Như vậy, nguồn gốc của mỹ cảm khỏa thân hiện thực đã có từ rất lâu. Các nghệ sĩ châu Âu thời Phục hưng tôn vinh vẻ đẹp cơ thể con người là sự khôi phục và xiển dương tinh thần nhân văn của thời Hy Lạp cổ đại. Chúng ta ít nhiều đều biết bức tượng Thần Vệ Nữ thành Milo (Venus de Milo) nổi tiếng hiện trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. Đây là một pho tượng bán khỏa thân được tìm thấy vào năm 1820 ở đảo Milos, Hy Lạp. Pho tượng có niên đại vào khoảng năm 130 trước Công nguyên, được tạc bằng đá cẩm thạch trắng, cao khoảng 2,04m, thể hiện vẻ đẹp của một cơ thể phụ nữ cân đối, tràn đầy sức sống.
Là di sản của văn minh Hy Lạp cổ đại, Venus de Milo là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ điển đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật tạo hình thế giới. Khi được khai quật, bức tượng bị gãy mất hai cánh tay. Đã có rất nhiều phương án để thử bổ sung đôi tay cho nàng Vệ Nữ thành Milo nhưng không có phương án nào được xem là hợp lý. Vấn đề không phải là các nhà điêu khắc thời nay kém tài năng mà là do đôi tay bị mất đã được tạo hình trong trí tưởng tượng phong phú của người thưởng ngoạn, mà sự đời thì "chín người mười ý" nên nàng Venus cứ mất đôi tay như thế lại là hoàn hảo nhất.
Cũng như nàng Venus Rokeby của Velázquez nằm quay mặt vào tường chỉ lộ phần lưng, nhưng người thưởng ngoạn cứ dán mắt vào cái eo lưng "thắt đáy lưng ong" của nàng mà tưởng tượng ra toàn bộ "tòa thiên nhiên". Tác phẩm nghệ thuật nào cũng dành chỗ cho "vùng xám" của trí tưởng tượng và cái "vùng xám" ấy dẫn người tạo tác và người thưởng ngoạn vào vô số những biến đổi lạ lùng của hình ảnh thị giác.
Các bức tranh khỏa thân cũng không ngoại lệ. Theo dòng chảy lịch sử, hình ảnh người nữ khỏa thân bị xô lệch vặn vẹo dưới nét cọ của các họa sĩ trường phái biểu hiện và bị đập thành nhiều mảnh vụn dưới nét cọ của các họa sĩ trường phái lập thể, biến thành những mảng màu nguyên trong tranh của các họa sĩ trường phái fauvism để rồi trở lại và vẫn đầy quyến rũ trong các tác phẩm tân hiện thực.
Trong nghệ thuật hội họa khỏa thân, họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng góp nét cọ của mình với hàng loạt bức tranh lớn nhỏ vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau. Hầu hết tác phẩm khỏa thân sơn dầu của ông chịu ảnh hưởng của lối vẽ hàn lâm mà ông tiếp thu trong những năm tháng theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng đã được biến đổi theo hướng rất Phái, nghĩa là có sự pha trộn của tinh thần hiện thực lãng mạn vốn có trong các series "phố Phái" và một cái nhìn đầy táo bạo của trường phái biểu hiện.
Ông không ngại ngần khi kéo dài hay thu ngắn các tỷ lệ cơ thể để tuân theo logic của bố cục tranh. Cái nhìn của ông về vẻ đẹp cơ thể người nữ là của một họa sĩ thuần túy mà cảm thức về bố cục và bảng màu quyết định tất cả các chi tiết. Ở một vài bức tranh, bút pháp ấn tượng trở lại nổi trội khi ông diễn đạt ánh trăng đổ lai láng trên cơ thể người mẫu với những vệt trắng đầy biểu cảm trên nền xanh xám quen thuộc. Ở một vài bức khác, tinh thần của trường phái dã thú thể hiện qua những mảng màu đặt trong bố cục xung quanh nhân vật nữ khỏa thân và đôi khi chính nhân vật nữ khỏa thân cũng trở thành một mảng màu.
Ở đây là tiếng nói của bố cục, còn vẻ đẹp của cơ thể người nữ sẽ thấm nhập qua những đường cong được họa sĩ thể hiện rất thoải mái phóng túng. Sẽ rất khó để xếp các tác phẩm khỏa thân của Bùi Xuân Phái vào một khuynh hướng hội họa nào, bởi cũng như các bức tranh phố cổ Hà Nội nổi tiếng của ông, đó là một hỗn hợp của nhiều nguồn sáng từ những ảnh hưởng tri thức sâu rộng mà ông đã tiếp thu trong suốt cuộc đời.
Chúng ta chỉ có thể nhận ra những đặc trưng của các trường phái hội họa lớn qua bút pháp cụ thể của ông ở từng tác phẩm, nhưng bút pháp ấy cũng biến đổi không ngừng. Có thể nói, ông tự đặt ra cho mình một hành trình mỹ cảm, từ học vấn, từ trải nghiệm, từ suy tư về cuộc đời và về nghệ thuật... rồi đưa tất cả vào tranh.
Loạt tranh khỏa thân cũng phản ánh rõ rệt những trăn trở của ông về hội họa khi chúng mang theo vô số cảm xúc, băn khoăn cũng có mà thỏa mãn cũng có. Nhưng cũng như tác phẩm của các nghệ sĩ lớn khác, tác phẩm của Bùi Xuân Phái đặt ra câu hỏi còn nhiều hơn là câu trả lời. Người xem tranh Bùi Xuân Phái, nhất là các bức tranh đề tài khỏa thân, sẽ tiếp tục băn khoăn như ông đã băn khoăn về những biểu hiện của cái đẹp trong nghệ thuật hội họa. Hình ảnh cơ thể người nữ như ông vẽ có thể mang đến mỹ cảm như thế nào sẽ là câu hỏi làm bận lòng những người mới tiếp xúc với tranh của ông và cả những người tự nhận là đã quá quen thuộc với "phố Phái".
Tác phẩm Các thiếu nữ ở Avignon (Les demoiselles d’Avignon) của Pablo Picasso vẽ năm 1907 đã gây bão dư luận khi trình bày hình ảnh người nữ khỏa thân méo mó dị dạng theo khuynh hướng lập thể. Nó có thể giúp trấn an nhiều người xem tranh như một thứ vaccine của nghệ thuật hiện đại, rằng cách thể hiện của các danh họa đối với những hình ảnh vốn quen thuộc luôn tạo ra một cuộc cách mạng trong lối nhìn, vì có như thế, danh họa mới trở thành danh họa.
Nhưng không có cuộc cách mạng nào rơi xuống từ hư không cả, chúng luôn bắt nguồn từ nhu cầu đổi mới cách nhìn những sự vật quen thuộc. Và như thế, chúng bắt nguồn từ các sự vật hằng ngày và từ chính tâm hồn người thưởng ngoạn. Loạt tranh khỏa thân của Bùi Xuân Phái cũng đi từ nhu cầu đổi mới cách nhìn của họa sĩ đối với hình ảnh người nữ đã tràn ngập trong hội họa thế giới hàng trăm năm lịch sử. Và chúng ta sẽ không có một Bùi Xuân Phái như hôm nay nếu ông chỉ vẽ phố cổ Hà Nội như ảnh chụp hay vẽ người nữ khỏa thân đúng tỷ lệ và vờn tỉa điêu luyện như tranh Phục hưng.
Ông học theo các danh họa châu Âu vẽ phố và vẽ khỏa thân nhưng ông luôn là ông, luôn trở về với con người mình dù ở bất cứ đề tài nào. Ông vẽ hình họa với nét bút thanh thoát như nghệ nhân Đông Hồ và đặt các mảng khối sơn dầu thuần thục như một họa sĩ cổ điển châu Âu, nhưng rồi ông phá tung tất cả để vẽ như Bùi Xuân Phái.
Có thể chiêm nghiệm rất nhiều luận đề nghệ thuật chỉ qua loạt tranh khỏa thân của Bùi Xuân Phái, nhưng bất kỳ suy tư nào cũng là những hệ lụy từ vẻ đẹp trong các tác phẩm của ông. Chúng ở đó, trước mắt chúng ta, đẹp một cách giản dị và lặng lẽ nhưng cuốn hút con mắt chúng ta và dẫn dắt tâm hồn chúng ta vào những liên tưởng thẩm mỹ vô tận. Chúng không chỉ để nhìn ngắm mà còn để cảm động và suy tư. Trước khi suy tư, hãy biết cách nhìn ngắm. Đó là những gì Bùi Xuân Phái muốn nói. Như Xuân Diệu viết trong bài thơ Vì sao?:
"Ai đem phân chất một mùi hương?
Hay bản cầm ca?..."
>>> Phần một. Hết trích đăng
(Trích sách Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi, Nhà xuất bản Trẻ)