Nhìn chung, với tiếng Việt, khả năng nói để giao tiếp mới chỉ là bước đầu tiên. Xa hơn, sẽ tới lúc bạn phải hiểu rõ được cách sử dụng từ ngữ của người Việt trong những bối cảnh đặc thù. Thời sinh viên, tôi cũng đã mất nhiều thời gian để nắm bắt điều này tới mức, tôi sáng tác hẳn một câu chuyện vui để kể với bạn bè về "ma trận" của từ ngữ Việt Nam.
Chuyện rằng có một chàng sinh viên nước ngoài tới Hà Nội học tiếng Việt được chừng bốn tháng. Anh luôn muốn có dịp thực tập và lắng nghe phản hồi của người Việt về khả năng dùng tiếng Việt của mình. Một buổi tối, chàng ta đi ra nhà ga, địa điểm duy nhất mở cửa 24/24 giờ tại Hà Nội khi đó. Tới nơi, gặp một thanh niên ăn mặc khá bụi bặm, anh giữ lại và hỏi: "Anh ơi, đây có phải là nhà ga không?" Người thanh niên đáp: "Ờ, nhà ga". Phấn khởi vì đạt hiệu quả, chàng sinh viên muốn kiểm tra thêm một lần nữa. Gặp một người thứ hai dáng vẻ bình thường, anh nhắc lại câu hỏi, người kia trả lời: "Phải, nhà ga".

Ông Saadi Salama ở tuổi 62. Ảnh: Nhã Nam
Chàng trai giật mình, không hiểu tại sao người đầu tiên thì "ờ", còn người sau lại "phải". Lặp lại câu hỏi thêm lần nữa với một người ăn mặc khá lịch sự, anh càng hoang mang hơn khi nghe trả lời: "Vâng, nhà ga". Không biết đúng sai thế nào và nghi ngờ và khả năng tiếng Việt của mình, chàng sinh viên nhìn thấy một tổ dân phòng đeo phù hiệu nên tới trình bày vấn đề "ờ, phải, vâng" của mình. Tổ dân phòng giải thích cả ba câu trả lời ấy đều có nghĩa là đúng, và chỉ khác nhau về cách ứng xử. Người thanh niên đầu tiên ít học hành nên trả lời là "ờ", người thứ hai có khá hơn nên nói "phải", còn người cuối cùng thì vâng là đúng nhất với cách ứng xử có văn hóa và tôn trọng người đối diện. Mừng rỡ, chàng sinh viên cám ơn rối rít và nghe tổ dân phòng bảo: "Ờ, thôi đi về đi!".
Bây giờ, sau vài chục năm, khi đã có thể hiểu và sử dụng thành thạo những từ "ừ", "ờ" "phải", "vâng", "dạ" tại Việt Nam, tôi thường xuyên được mời tham dự những buổi tọa đàm và sinh hoạt về tiếng Việt. Với tôi, đó là một tự hào lớn bởi thật lòng, không có nhiều người nước ngoài tại Việt Nam đủ am hiểu tiếng Việt để có thể đến những sự kiện như thế. Thông thường, đó là các cuộc hội thảo về văn hóa giao tiếp, về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông, là các buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên thuộc chuyên ngành ngôn ngữ Việt Nam. Ở những sự kiện ấy tất nhiên không có phiên dịch và tôi thường trực tiếp phát biểu, cũng như chia sẻ với cử tọa bằng vốn tiếng Việt của mình.

Sách "Câu chuyện Việt Nam của tôi", tác giả Saadi Salama, NXB Dân Trí, ra mắt tháng 1. Ảnh: Nhã Nam
Sách hơn 300 trang, gồm ba phần và 14 chương, nói về cuộc đời của ông Saadi Salama từ khi còn ở quê nhà tại ngôi làng Idna, thành phố Hebron, Palestine đến khi sang Việt Nam học ở Hà Nội vào năm 1980, cũng như con đường làm nhà ngoại giao của ông ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á. VnExpress trích đăng một phần chương 2 và chương 12.
Trong những bài phát biểu, tôi thường chia sẻ rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ hấp dẫn, đặc sắc, vô cùng phong phú, và cách mọi người chơi chữ cũng rất thú vị. Ví dụ, người Việt hay nói đùa vợ là "cơm", bồ là "phở". Trong cuộc vui nọ, có người Việt Nam khi nghe tôi nói tiếng Việt giỏi bèn hỏi tại sao. Một người bạn chen vào giải thích rằng do tôi ăn "cơm" Việt Nam nhiều, hàm ý tôi có vợ Việt. Một người bạn khác lại trêu, nói rằng do tôi ăn "phở" nhiều. Nhưng tôi đã hiểu ngay kiểu đùa này rồi, bèn lập tức trêu lại họ, rằng thực ra tôi giỏi tiếng Việt vì ăn "mì ăn liền" rất nhiều ở Việt Nam. Tất cả cười ầm lên.
Ðó là câu chuyện đùa, vậy nhưng tôi nghĩ cũng không nên dừng lại ở việc chỉ sử dụng kho tàng tiếng Việt đã có. Tiếng Việt cần được chuẩn hóa và phát triển theo thời gian. Sự phát triển ở đây không có nghĩa là đi ngược lại những quy luật và nguyên tắc đã giúp tiếng Việt hình thành, mà đó là nhu cầu tổng kết và hệ thống hóa tiếng Việt bằng những nguyên tắc khoa học để phù hợp với giai đoạn hội nhập hiện nay. Chẳng hạn, trong tiếng Việt từng có khá nhiều từ được vay mượn từ tiếng Pháp, tiếng Trung và hiện tại là tiếng Anh khi không có sẵn những từ đồng nghĩa tương đương. Thế nhưng, việc phiên âm những từ nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa hề đồng nhất.
Giống như quốc tịch Palestine của tôi nếu đọc đúng theo phiên âm tiếng Anh là "Pa-lét-xtai" thì sẽ làm rất nhiều người ngơ ngác. Bởi họ quen với cách đọc "Pa-lét-xtin" theo phiên âm tiếng Pháp. Còn ở một trường hợp khác, cùng nói về thủ đô của nước Nga, các văn bản Việt Nam dùng lẫn lộn các cụm từ Moscow, Moskva, Mátxcơva, chưa kể trước kia còn dùng từ Mạc Tư Khoa nữa.
Sự thiếu thống nhất trong cách viết đã dẫn tới việc tùy theo nguồn tài liệu, những kiểu đọc và viết phiên âm từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung như thế cùng song song tồn tại. Thậm chí, như sợ người đọc không hiểu, một số tờ báo vẫn Việt Nam hóa những từ nước ngoài ra văn bản một cách rất cứng nhắc và máy móc. Tôi tin chắc ngoài người Việt Nam, khó có ai hiểu nổi những từ nước ngoài được phiên âm một cách rất đặc biệt ấy nghĩa là gì. Có lẽ, về vấn đề này, Việt Nam nên lấy cách đọc theo đúng chuẩn ngôn ngữ của những từ được vay mượn - nghĩa là từ tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh... tùy theo nguồn gốc.
Tương tự, những âm đặc biệt trong tiếng Việt cũng nên được quy chuẩn ra bảng phiên âm quốc tế theo hướng gần với thực tế nhất. Như tôi đã kể, khi nói về Tổng Bí thư của Việt Nam trong giai đoạn 1960-1986, rất nhiều người đọc nhầm tên ông là Lê Ðuẩn, bởi âm /d/ của tiếng Việt không có cách đọc tương đương ở tiếng Anh. Trong khi đó, âm D này khá gần với ký tự /z/ trong bảng phiên âm quốc tế. Nếu được quy ước chuẩn, người nước ngoài sẽ dễ đọc các từ Lê Duẩn, hoặc "áo dài" thay vì nhầm thành "áo đài". Những câu chuyện ấy không hề nhỏ. Việt Nam từng có giai đoạn vận hành theo mô hình của một xã hội khép kín và mới chỉ mở cửa được hơn ba thập kỷ. Bên cạnh hội nhập về kinh tế, sẽ có rất nhiều vấn đề cụ thể cần hoàn thiện tiếp để quốc gia này có thể hội nhập vào dòng chảy văn hóa chung của nhân loại.
Ngôn ngữ - cánh cửa để mở ra sự giao lưu với các nền văn hóa khác nhau - là một trong những nền móng quan trọng nhất với yêu cầu này. Nhìn vào đời sống dịch thuật của Việt Nam, bên cạnh tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Trung, Việt Nam hiện cũng đang phát triển việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ của một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha...
Tuy nhiên, việc dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập và ngược lại thì hiện vẫn bỏ trống. Có nghĩa là cây cầu văn hóa giữa Việt Nam và hàng loạt quốc gia Trung Ðông khác vẫn chưa được khai thông. Ðó là một điều vô cùng đáng tiếc khi một thị trường có gần bốn trăm triệu dân với rất nhiều tiềm năng về kinh tế lại bị bỏ qua. Chính vì thiếu vắng một mảng giao lưu văn hóa quan trọng như vậy, vốn từ vựng đặc thù về các nước Ả Rập trong kho tàng từ vựng Việt Nam hiện có rất ít và nhiều khi không chính xác. Chẳng hạn, tiếng Việt thường sử dụng khái niệm "Hồi giáo", nhưng theo như tôi biết, từ này bắt nguồn từ Trung Quốc, dùng để chỉ tôn giáo của những người Hồi - dân tộc ở phía Bắc Trung Quốc trong lịch sử. Sẽ là khoa học và hợp lý hơn nhiều, nếu cụm từ này được thay bằng từ "Islam" đã được quốc tế hóa trên thế giới.
Hoặc cũng vì thiếu chính xác, người Việt vẫn dùng các cụm từ "Thánh Allah" hay "Nhà tiên tri Mohammed" trong khi thực chất, những khái niệm này có nội hàm và ý nghĩa rộng hơn thế rất nhiều. Tôi tin chắc, từ khoảng trống ấy, thế giới Arab và người Việt đều có những sai sót và định kiến khi không hiểu rõ về nhau. Chẳng hạn, nếu hỏi một người Việt Nam bình thường về các nước Arab, hẳn họ sẽ phác họa sơ sài đó là thế giới của truyện Ngàn lẻ một đêm, là vùng đất của sa mạc và dầu mỏ, là nơi tồn tại khá nhiều sự cực đoan và bảo thủ khi đàn ông có thể lấy tới bốn vợ, còn phụ nữ phải đeo mạng che mặt suốt đời.
(Trích sách Câu chuyện Việt Nam của tôi,Saadi Salama, Nhã Nam và Nhà xuất bản Dân trí)