Câu chuyện Việt Nam của tôi là quyển hồi ký ghi lại những câu chuyện về văn hóa, phong tục đất nước dưới góc nhìn của ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam. Ông gắn bó Việt Nam từ năm 1980 đến nay, xem nơi đây là "quê hương thứ hai", chứng kiến sự đổi thay của đất nước qua nhiều thời kỳ.
Sách hơn 300 trang, gồm ba phần và 14 chương, nói về cuộc đời của ông Saadi Salama từ khi còn ở quê nhà tại ngôi làng Idna, thành phố Hebron, Palestine đến khi sang Việt Nam học ở Hà Nội vào năm 1980, cũng như con đường làm nhà ngoại giao của ông ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á.
Dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng một phần chương 2 và chương 12. Tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Với tôi, trong gần 20 năm sống tại Việt Nam, tính cách và văn hóa của người Việt giống như một cuốn sách luôn mở ra những chương mới mỗi ngày. Với những gì đã tiếp nhận, quả thật, sẽ rất khó để kể lại những câu chuyện chỉ qua một vài trang viết.
Nhưng cũng không thể bỏ qua những câu hỏi mà bạn bè từng đặt ra với tôi: So với các nước trong khu vực, người Việt có tính cách gì riêng? Họ là dân tộc gần gũi và vồn vã trong giao tiếp, hay thiên về sự điềm đạm, mực thước và giữ khoảng cách? Học tiếng Việt có khó không, nếu so với học tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn? Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa khép kín hay luôn dễ dàng hướng về cái mới?
Như tôi thấy, tính cách người Việt có sự khác biệt giữa miền Bắc, trải dài từ Lạng Sơn tới Huế với phần kia là miền Nam. Lịch sử đã tạo nên sự khác biệt ấy khi phần đất phía Bắc là nơi những người Việt Nam đã tồn tại suốt hàng nghìn năm kể từ khi dân tộc Việt hình thành. Ngược lại, vùng đất phía Nam là phần lãnh thổ Việt Nam được từng bước mở rộng theo thời gian. Trong đó, những tỉnh, thành ở khu vực Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cho tới hơn ba thế kỷ trước vẫn là vùng đất hoang và chỉ dần phát triển khi người Việt tới đây khai khẩn.
Từ đó, không có gì khó hiểu khi người Bắc luôn là những đại diện tiêu biểu nhất của văn hóa Việt. Vị trí địa lý chiến lược, lại nằm liền kề một quốc gia lớn là Trung Hoa, lịch sử phát triển của người Việt cũng là lịch sử của những cuộc chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ của mình. Cùng sự khắc nghiệt của thời tiết và những đe dọa của thiên tai, người Bắc đã quá quen với những thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả những yếu tố ấy đã hình thành ở họ một tình cảm thiêng liêng đặc biệt với Tổ quốc và quê hương mình cũng như sự gắn bó, cấu kết rất chặt chẽ và kiên định giữa từng cá nhân với nhau trong mỗi cộng đồng, mỗi dòng họ.
Mỗi người Việt ở phía Bắc đều rất tự hào về quê hương và mảnh đất mình đang sống. Những người bạn Việt Nam của tôi thường hãnh diện giới thiệu rằng họ là người Nam Ðịnh, người Hà Nội, người Thanh Hóa, người Thái Bình rồi kể rất chi tiết về việc tổ tiên của họ đã định cư ở đây từ vài trăm năm trước như thế nào.
Ở góc độ này, người miền Nam có chút khác biệt so với phía Bắc. Lịch sử hình thành chỉ vài trăm năm, họ cũng tự hào về quê hương, bản quán nhưng có cái nhìn đơn giản, nhẹ nhàng và không quá đi vào chiều sâu của từng khái niệm. Ðó là điều dễ hiểu, nếu nhìn sang những quốc gia cũng có lịch sử phát triển chỉ vài trăm năm như nước Mỹ. Một người Mỹ bình thường có thể không ngần ngại thay đổi nơi ở từ New York về Los Angeles, từ Houston về Chicago nếu điều đó thuận lợi và phù hợp với điều kiện sống. Ðể nói về tổ tiên, họ sẽ cười hồn nhiên và kể rằng ông tổ của dòng họ mình là một người nào đó đến từ Ireland, Scotland hay Italy. Trong cách sinh hoạt hàng ngày cũng vậy.
Thực tế khó khăn trong cuộc sống đã sớm hình thành ở người Bắc tâm lý từ tốn, cẩn thận. Người Bắc ít khi phung phí và có xu hướng luôn chuẩn bị chu toàn, thiết yếu cho ngày mai. Trong khi đó, người Nam sẽ đơn giản và thoải mái hơn về vấn đề này. Chẳng hạn khi rang cơm mà đột ngột hết dầu ăn, người Bắc sẽ chạy ra cửa hàng mua luôn một chai dầu lớn để dùng dần trong những ngày sau này, còn với một bà nội trợ phía Nam, rất có thể bà sẽ sang nhà hàng xóm, vay một chút dầu để làm nốt bữa ăn còn chuyện mua dầu sẽ tính toán sau.
Tương tự, bắt đầu một tháng mới, người Bắc sẽ mua luôn những thứ cơ bản như gạo, nước mắm, muối để dùng lâu dài trong khi người Nam thường chỉ mua rất ít và dùng cho vài ngày. Cách ứng xử xã giao của người Nam cũng giống vậy, khá thoải mái, hồn nhiên và phóng khoáng. Họ ít bị chi phối bởi những quan niệm truyền thống về văn hóa, về ứng xử như người Bắc, cũng không tò mò, để ý hoặc bàn luận nhiều về những vấn đề nhỏ lẻ của cuộc sống và những người quanh mình.
Với bản thân tôi, thật lòng, khi tiếp xúc với một người bạn mới nào ở phía Bắc, tôi luôn rất thận trọng vì sợ thất lễ như cách người Việt nói về việc không tuân thủ các quy tắc xã giao của họ. Còn với những người bạn ở phía Nam, tôi có thể cho phép mình thoải mái và tự nhiên hơn. Chẳng hạn, để mời bạn ăn một bữa cơm, người Nam có thể nói một cách tự nhiên: "Ăn cơm với tôi nhé?" Còn với người Bắc, lời mời bữa cơm có thể được đưa ra từ trước đó một tuần để rồi cách bữa ăn vài tiếng, chủ nhân sẽ gọi cho bạn để nhắc lại lời mời một lần nữa. Khi tới nhà người khác để dùng cơm, người Bắc sẽ quan tâm gắp cho bạn là chính và ăn khá ít, trong khi người Nam đã mời và bày thức ăn ra bàn thì họ sẽ không quan tâm quá nhiều tới việc bạn ăn như thế nào.
Bởi thế, nếu từ phía Nam chuyển ra miền Bắc sống hoặc ngược lại, những người khách quốc tế sẽ có chút ngạc nhiên khi chứng kiến những khác biệt trong giao tiếp và sinh hoạt. Người Nam có thể ham vui, tiêu xài rộng rãi khi cao hứng trong khi người Bắc thường có trước kế hoạch cho điều này. Mời bạn bè ăn cơm, người Nam thích ra nhà hàng cho tiện còn người Bắc muốn làm cơm ở nhà. Người Nam ít quan tâm tới chính trị, trong khi đó là chủ đề thường xuyên trong những câu chuyện của người Bắc. Người Nam thích làm việc tự do, ít gắn bó với các cơ quan nhà nước trong khi với rất nhiều người Bắc, cơ quan nhà nước là một tiêu chí để đánh giá sự ổn định và bền vững trong công việc.
Sự khác biệt ấy tạo ra những nét đa dạng rất thú vị để những người đến từ một nền văn hóa khác như tôi có thể dần trải nghiệm và khám phá theo thời gian. Tất nhiên bây giờ ở nhiều người trẻ những thói quen ứng xử có thể đã không còn đậm tính vùng miền như ông bà cha mẹ họ.
>> Phần 2
(Trích sách Câu chuyện Việt Nam của tôi, Saadi Salama, Nhã Nam và Nhà xuất bản Dân trí)