Alexander Đại đế - huyền thoại xứ Macedonia của tác giả Philip Freeman xuất bản ở Mỹ năm 2011, bản tiếng Việt ra mắt trong nước vào tháng 6.
Sách khái quát thành tựu của Alexander Đại đế (356 TCN - 323 TCN), đồng thời khắc họa một phần con người ông. Ngoài ra, tác giả phân tích sức ảnh hưởng của đế chế Alexander và văn hóa Hy Lạp thời ông trị vì.
Dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng hai phần. Tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Khi mùa xuân nở rộ trên dãy núi Zagros cùng những bông hoa hoang dại, Vua Alexander cuối cùng cũng bắt đầu từ Ecbatana hành quân đến Babylon. Dọc đường, các đoàn sứ thần từ các vùng đất xa xôi đến chúc mừng những chiến công của ngài và chân thành bày tỏ hy vọng muốn được kết tình hữu hảo với nhà Vua. Ít nhất, họ cũng muốn thăm dò ý của Hoàng đế để chuẩn bị cho những cuộc xung đột có thể xảy đến.
Có đoàn sứ thần đến từ Phi châu phía Tây Cyrene đã mang vương miện đến xin thần phục, cùng với những người Ethiopia sống ở vùng đất phía Nam Ai Cập. Người Carthage cũng đến với nhiều lý do để lo lắng hơn hầu hết những những sứ thần khác.
Các bộ tộc đến từ Italy cũng ở đó, Bruttia, Luciana và Etrusaca. Và theo một số nguồn ghi chép của Hy Lạp, trong đó có cả các sứ thần của Rome, dù cho sau này các tư liệu của La Mã đã bác bỏ mọi lời lẽ đề cập đến sự tôn kính họ từng dành cho Vua Alexander. Người Celts cũng sai sứ thần đến, giống như khi Hoàng đế đang thực hiện chiến dịch dọc sông Danube mười hai năm trước. Những người Iberia từ Tây Ban Nha xa xôi, người Scythia từ các khu vực phía Bắc Biển Đen.
Một số người Vua Alexander đã gặp trước đó, còn lại là những gương mặt mới. Ngài hoan nghênh họ bằng những lời cổ vũ nồng nhiệt bảo đảm cho tình hữu hảo cùng những lời hứa hẹn về nền hòa bình mà sau đó ngài có thể tự tay phá vỡ nếu cần.
Sau cùng thì khi Vua Alexander kéo quân tiến về thành Babylon, ngài đã gặp một nhóm tư tế Chaldea, họ thỉnh cầu ngài đừng vào thành. Họ tuyên bố đã nhận được một lời tiên tri của vị thần Bel-Marduk vĩ đại, cảnh báo nhà Vua nên tránh vào thành Babylon bằng mọi giá.
Hoàng đế vốn tôn trọng người Chaldea, ngài đã từng đem một nhóm người của họ theo ngài đến phương Đông, nhưng ngài cũng nghi ngại động cơ của họ. Ngài đã nghe tin báo rằng mệnh lệnh ngài truyền đi yêu cầu tu sửa đền thờ thần Bel-Marduk đã bị ngó lơ trong suốt thời gian ngài ở Ấn Độ và các tư tế đã lấy làm vui mừng khi nó bị ngó lơ như vậy. Số tiền khổng lồ dành cho việc tu sửa vẫn còn trong ở trong ngân sách của đền thờ, tùy ý cho người Chaldea lạm dụng. Nếu Hoàng đế vào thành và ép họ bắt đầu công trình, sự giàu sang họ đang tận hưởng sẽ nhanh chóng biến mất.
Ban đầu, Vua Alexander cố cười nhạo lời tiên tri ấy và dẫn lời của nhà soạn kịch Hy Lạp Euripides nói rằng nhà tiên tri vĩ đại nhất là người có khả năng tiên đoán tuyệt vời, nhưng nhà tiên tri ấy vẫn đang sống trong thời đại của mình và mê tín vừa đủ để thận trọng đối với cả những cảnh báo đáng ngờ của các vị thần.
Khi người Chaldea nhận thấy mánh khóe của họ không có tác dụng với nhà Vua, họ nhanh chóng thay đổi chiến thuật và xin ngài ít nhất hãy tránh vào thành theo hướng Tây nhìn vào mặt trời đang lặn - biểu tượng phổ biến của sự chết chóc trong thế giới cổ đại. Đây là mánh khóe vô cùng tinh ranh, triệt để chặn bước chân của Hoàng đế tiến vào Babylon, bởi các thầy tư tế biết xung quanh thành phố đều là những đầm lầy rộng lớn, khó có thể tiếp cận từ những phía khác.
Vì thế, Hoàng đế đã sai một số quân vào thành, sau đó ngài dẫn số quân còn lại vòng qua các đầm lầy để tiếp cận tòa thành từ phía bên kia. Nếu người Chaldea nghĩ rằng họ có thể dễ dàng cản bước nhà Vua thì họ đã sai lầm tai hại. Một vài ngày sau, ngài đã rảo bước qua cổng thành Babylon và đến ngự tại cung điện hoàng gia.
Nhưng khi đã vào được trong thành, những điềm dữ từ các vị thần vẫn liên tục xuất hiện. Khi một người bạn của Hoàng đế đang hiến tế thay mặt ngài, ông phát hiện con vật hiến tế có lá gan dị dạng, một điềm báo đáng lo ngại. Một ngày kia, những con quạ mổ nhau ngay trên đầu nhà Vua và một số con chết rơi xuống chân ngài. Sau đó, con sư tử dũng mãnh và đẹp mã nhất trong số những con vật thuộc sở hữu riêng của ngài bị một con lừa nhà tấn công và đá cho đến chết.
Một vài ngày sau, Vua Alexander tạm rời thành, đi thuyền dọc con sông và phải tự mình chỉ huy vì người dẫn đường bị mất tích. Khi đang đi thuyền ngang qua những ngôi mộ bị ngập nước của các Vua Assyria cổ đại, bất ngờ một cơn gió ập đến và thổi bay chiếc mũ cùng chiếc vương miện ngài đã hân hoan đặt trên đầu mình.
Vương miện mắc trên một cây sậy cứng mọc cao trên một ngôi mộ cổ khiến quân lính phải nhảy xuống để cứu vật báu đó. Một người lính chìa tay lấy vương miện từ cây sậy rồi nhận ra rằng mình không thể bơi được nữa trong khi tay vẫn cầm nó. Vậy nên anh ta đã đặt vương miện trên đầu mình mà bơi trở lại thuyền và trao lại cho Vua Alexander.
Hoàng đế rất cảm kích và ban thưởng hậu hĩnh cho anh ta song đồng thời cũng ra lệnh trừng phạt vì dám đội vương miện lên đầu. Một số ghi chép cho biết anh ta bị nhấn nước chết, một số khác lại nói người này bị chặt đầu.
Dù hình phạt là gì thì Hoàng đế rõ ràng đã nhận thấy sự trùng hợp ấy chính là một lời cảnh báo, ngài đang có nguy cơ đánh mất vương miện vĩnh viễn.
>> Còn tiếp
(Trích "Alexander Đại đế - Huyền thoại xứ Macedonia", Nguyễn Vi Thiên Ái dịch)