Trong một nghiên cứu mới đây tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Tâm lý học Anh ở London, những sinh viên mang nước vào phòng thi đạt điểm cao hơn khoảng 10% so với những người không mang.
Đại học London cũng đã thực hiện một thử nghiệm tương tự, chia trẻ 9 tuổi thành 2 nhóm, một nhóm uống 250ml nước, nhóm còn lại không uống nước. Sau khi làm bài kiểm tra 20 phút, kết quả những đứa trẻ uống nước có điểm cao hơn 34%.
Sau khi tiến hành một loạt nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng các tế bào não sẽ hoạt động trơn tru hơn sau khi được bổ sung nước, do nước trong cơ thể có thể thúc đẩy khả năng nhận thức ở trẻ nhỏ.
Uống nước rất quan trọng nhưng uống đúng cách còn quan trọng hơn. Vì sức khỏe của con, cha mẹ cần phải tìm hiểu cách thức cho uống nước một cách khoa học để nuôi dạy con thông minh.
1. Trẻ uống bao nhiêu nước là đủ?
Trẻ sơ sinh: 150 ml cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Trẻ từ 1 đến 12 tháng: 110 ml cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Trẻ từ 12 đến 36 tháng: 100 ml - 110 ml cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Trẻ từ 3 đến 13 tuổi: Nhu cầu nước hàng ngày của bé trai là 1.500 ml - 1.800 ml, bé gái là 1.200 - 1.600 ml.
Trẻ từ 13 tuổi trở lên: Nhu cầu nước hàng ngày đối với bé trai là 2.000 - 2.500 ml và đối với bé gái là 1.500 ml - 1.700 ml.
2. Thời gian uống nước đúng
Trẻ ít khi tự uống nước, chỉ uống khi đã quá khát, tuy nhiên lúc này cơ thể trẻ đã mất nước nhẹ. Bởi vậy cần phải chú ý chọn thời điểm cho trẻ uống nước chính xác.
Giữa các bữa ăn
Không cho trẻ uống nước trước hoặc ngay sau bữa ăn.
Uống nước trước bữa ăn sẽ tạo cảm giác no lâu, ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển do không được cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng. Uống nước ngay sau bữa ăn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, gây khó tiêu và ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng. Vì vậy, uống nước giữa các bữa ăn là lựa chọn tốt nhất.
Sau khi thức dậy
Không nên cho trẻ uống nước trước khi ngủ vì có thể khiến trẻ nhịn tiểu, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tăng gánh nặng cho thận. Trẻ nhỏ hơn cũng dễ tè dầm khi uống nhiều nước trước khi ngủ, để lại một bóng đen tâm lý.
Trẻ dễ bị đổ mồ hôi trộm, dễ khô miệng sau khi ngủ dậy. Vì vậy, sau khi ngủ dậy có thể bổ sung nước để giúp quá trình trao đổi chất và tăng cường chức năng thận của trẻ.
Sau khi tắm
Khi tắm, không gian kín gió và nhiệt độ cao sẽ đẩy nhanh quá trình bay hơi ẩm trên da, trẻ sẽ cảm thấy khát và da bị khô.
Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ uống nước sau khi tắm khoảng 15 phút. Lúc này việc bổ sung nước có thể đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất thải trong cơ thể và làm dịu da khô.
Sau khi khóc
Trẻ không khỏi quấy khóc, thậm chí có lúc khóc thét. Khi trẻ ổn định về mặt cảm xúc, đó là lúc bố mẹ nên cho trẻ uống nước. Vì khóc sẽ làm tiêu hao lượng nước trong cơ thể, khiến cổ họng bị khô, đau rát nên lúc này cần phải bù nước. Uống nước cũng tạo cầu nối giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giúp trẻ chuyển biến những cảm xúc xấu.
3. Đừng cho bé uống 4 loại nước này
Nước quá lạnh hoặc quá nóng
Nước quá nóng không chỉ làm tổn thương niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày mà còn làm ê buốt răng miệng của trẻ. Trẻ em và người lớn chịu mức độ nóng khác nhau. Với người lớn uống nước ở nhiệt độ thích hợp nhưng có thể quá nóng so với trẻ nhỏ, vì vậy cần tôn trọng sự đánh giá của trẻ. Trong khi đó, một cốc nước lạnh có thể khiến trẻ cảm thấy mát mẻ, sảng khoái trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, uống nước lạnh lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm tới sức khỏe như gây rối loạn tiêu hóa, làm suy yếu miễn dịch, táo bón...
Nhiệt độ nước uống tốt nhất cho trẻ là 35 - 38℃, gần nhất với nhiệt độ cơ thể con người.
Nước có hàm lượng khoáng chất quá cao
Nước có hàm lượng khoáng chất quá cao có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Quá nhiều khoáng chất trong nước sẽ phá vỡ sự cân bằng của thành phần nước trong cơ thể, không những không bổ sung thêm nước mà còn khiến nước bị thất thoát ra ngoài.
Cơ thể trẻ em và người lớn khác nhau nên nước có hàm lượng khoáng quá cao không phù hợp với trẻ nhỏ.
Nước có đường và nước trái cây
Để dụ trẻ uống nước, nhiều cha mẹ thường cho thêm đường, nước trái cây... vào nước để trẻ có cảm giác ngọt, dễ nuốt. Đây là điều không nên làm bởi ăn quá nhiều đường sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và thận, dễ gây béo phì, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trẻ dưới một tuổi không nên ăn đường, trẻ trên một tuổi ăn càng ít càng tốt. Sữa, thực phẩm hàng ngày và hoa quả mà trẻ thường ăn đã cung cấp rất nhiều đường.
Nước để quá 24 giờ
Trẻ nên uống nước đun sôi để nguội trong ngày, không để sang hôm sau. Tuyệt đối không tích nước để nguội nhiều ngày. Nguyên nhân là nếu nước để quá 24 tiếng, vi khuẩn trong không khí sẽ có cơ hội xâm nhập làm suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, nước đun sôi để nguội cần phải được chứa đựng trong dụng cụ làm bằng chất liệu đạt tiêu chuẩn quy định. Tuyệt đối không sử dụng bình làm bằng các loại nhựa tái chế để đựng nước. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên chứa nước sôi để nguội trong bình có nắp đậy kín.
Vy Trang (Theo aboluowang)