Ngọc, 15 tuổi, ở Đồng Nai, thường xuyên bị nhức mỏi vùng lưng từ năm 2018. Mỗi khi ngồi học kéo dài, lưng Ngọc như bị gãy gập, nhói nhiều ở sườn phải. Tuy nhiên, gia đình nghĩ do con ngồi quá lâu nên mua thuốc giảm đau cho em uống.
Gần đây, khi vào lớp 10, Ngọc thường có cảm giác khó thở, mệt và không giữ được thăng bằng khi chạy bộ hay leo cầu thang. Đặc biệt, lúc mặc áo dài, lưng của em bị vẹo, lệch rõ về bên phải. Ngọc được mẹ đưa đi khám ở bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán vẹo cột sống mức độ nặng nhưng không điều trị. Nữ sinh cảm thấy bản thân khác biệt so với bạn bè nên tự ti, rối loạn lo âu, kết quả học tập giảm sút.
Ngọc sau đó được đưa đến Bệnh viện 1A điều trị, được chẩn đoán vẹo cột sống thắt lưng, mức độ nặng, ảnh hưởng hô hấp. Ngọc được các bác sĩ cho tập trị liệu, hiệu chỉnh cơ xương khớp. Sau hơn 10 buổi điều trị, các cơn đau mỏi lưng giảm, em không còn cảm thấy khó thở nhiều như trước. Hai vai của Ngọc đã gần bằng nhau, giảm lệch vẹo rõ, được bác sĩ hướng dẫn thêm các bài tập về nhà để tập luyện duy trì.
Tương tự, Minh, 16 tuổi, ở TP HCM, được gia đình đưa đi khám và phát hiện bị vẹo cột sống từ 2020, được điều trị bằng phương pháp mang áo nẹp định hình. Tuy nhiên, cột sống của Minh bị vẹo nhìn rõ qua nhiều năm làm em mất tự tin, không thể tham gia các trò chơi thể thao vận động. Khi lên cấp 3, do ngồi học quá nhiều, cột sống Minh tổn thương nặng nề hơn kèm đau cổ vai gáy liên tục.
Đầu tháng 8, Minh được đưa đến Bệnh viện 1A khám, bác sĩ nhận định hình thể em đã mất đối xứng, vai trái lệch cao gần 5 cm so với vai phải, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S, khung chậu lệch vẹo... Minh được bác sĩ cho dùng thuốc giảm đau điều trị cổ vai gáy. Song phải chờ đến khi khỏi các cơn đau, căng cơ, bác sĩ mới có thể tiếp tục cải thiện cột sống cho Minh bằng các bài tập điều chỉnh cơ xương khớp.
ThS.BS Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, cho biết gù vẹo cột sống là một biến dạng của cột sống khá phổ biến. Nơi này thường tiếp nhận 5-7 trẻ đến khám mỗi tuần dịp hè.
"Ngoài một số trường hợp dị tật bẩm sinh thì tư thế ngồi học không đúng, trẻ mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế ngồi học không phù hợp lứa tuổi cũng là lý do khá phổ biến ở trẻ gù, vẹo", bác sĩ Trịnh giải thích.
Trong đó, cột sống bị cong lệch sang một bên theo hình chữ C, hoặc cong ở 2, 3 vị trí của cột sống trở lên theo hình chữ S, lệch vai. Các dị tật này thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển mạnh của trẻ, trước tuổi dậy thì, làm cho người bệnh bị gù, vẹo và xoay cột sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng khác. Trường hợp bệnh nhi được phát hiện quá trễ, không thể chữa khỏi có thể dẫn đến tật suốt đời.
Theo bác sĩ Trịnh, gù vẹo cột sống không chỉ tổn thương về thể chất, mà còn gây bệnh lý tinh thần. Đa số trẻ gặp tình trạng này luôn kèm theo biểu hiện trầm cảm, nhất là ở nhóm bị gù vẹo nặng, thường bị tách biệt với bạn bè và xã hội. Đôi khi cha mẹ cũng rơi vào trạng thái tinh thần tương tự do cảm thấy có lỗi khi để con mắc bệnh.

Kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A giúp bệnh nhi tập bài tập điều chỉnh cơ xương khớp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo Bộ Y tế, bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập, cặp sách mang hằng ngày là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh. Để đảm bảo tư thế ngồi học đúng, nhà trường, gia đình cần trang bị bộ bàn ghế phù hợp với kích thước cơ thể các em. Đặc biệt, từ mẫu giáo, tiểu học, thầy cô, phụ huynh cần nhắc nhở để tạo thói quen ngồi đúng tư thế cho trẻ. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, cần trang bị đèn ở góc học tập của con để đảm bảo ánh sáng tốt hơn.
Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng phải đảm bảo trẻ đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía. Ngoài ra, để phòng bệnh, trẻ cần duy trì chế độ học tập, sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi.
Bác sĩ Trịnh cho biết hiện nhiều trẻ khi được phát hiện có tật về cột sống, thường được điều trị hỗ trợ bằng áo nẹp định hình, nhưng đây không phải là phương pháp tối ưu. Do áo nẹp không giúp điều trị khỏi vẹo cột sống, chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tăng nặng. Ngoài ra, hầu hết áo nẹp phải được mặc cả ngày đêm, trong nhiều năm gây bất tiện, khiến trẻ cảm thấy rườm rà nên sẽ bỏ mang áo nẹp dẫn đến bệnh tiến triển nhanh hơn.
Đối với trường hợp cột sống lệch, vẹo trong giai đoạn sớm, mức độ nhẹ, phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp sẽ giúp khắc phục tốt. Trường hợp phát hiện trễ, các đốt sống biến dạng, bác sĩ phải phẫu thuật hàn xương, làm dính các đốt sống bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh để giữ cột sống thẳng và lành xương. Tuy nhiên, biến chứng của phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống khá nặng nề, như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương - khớp giả.
"Phụ huynh cần quan sát, khi trẻ có dấu hiệu bất thường như không thể đứng thẳng, vai thấp vai cao, vùng lưng bị gồ lên khi cúi người, cần đưa đi viện để điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc", bác sĩ Trịnh khuyến cáo.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi