Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ sáu, 3/4/2015, 10:54 (GMT+7)

Trẻ tự kỷ học kỹ năng sống qua vui chơi

Hàng trăm em bé tự kỷ hào hứng diễn múa võ, văn nghệ, học nghề... trong ngày hội "Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ" tại Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP HCM, ngày 2/4.

Từ sáng sớm, các bé đến từ nhiều trường chuyên biệt Khai Trí, Ước Mơ, Tuổi Ngọc, Bim Bim, Ngọn Nến Xanh... đã có mặt tại sân Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ tàn tật TP HCM để vui chơi.

Tiểu phẩm "Hiệp sĩ hạ sơn" với những câu hát, lời thoại khá dài, hành động đẹp mắt được các bé tự kỷ trong nhóm võ Aikido trình diễn lưu loát.

Sau những câu chào hỏi bằng tiếng Nhật, bé Nguyễn Xuân Trung, 15 tuổi, tự tin biểu diễn đàn bài hát "Bụi phấn".  

MC Thanh Bạch, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm tham gia múa phụ họa ngẫu hứng cho tiết mục đơn ca "Trở về dòng sông tuổi thơ" của bé Trung Hiếu đến từ trường chuyên biệt Tuổi Ngọc.

Tiết mục nhạc kịch "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" do chính các bé tự kỷ biểu diễn được đón nhận nồng nhiệt. Để có thể tự tin đứng trên sân khấu múa hát, các bé đã trải qua quá trình điều trị, can thiệp với rất nhiều tâm sức, tình thương vô bờ của phụ huynh, giáo viên.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ tàn tật TP HCM cho biết, tự kỷ cho đến nay vẫn là thách thức của y học, không có nguyên nhân nên không thể phòng ngừa. Mỗi trẻ tự kỷ lại không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ nên việc chăm sóc, can thiệp, điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Sự trợ giúp, thấu hiểu của cộng đồng và xã hội là rất cần thiết.

Bé Anh Khôi nắn nót với những dòng chữ ước mơ: "Con ước được có nhiều quà bánh, đọc truyện Doreamon, ăn trứng gà".

Bé Mẫn Nghi hào hứng với những bức tranh nhiều màu sắc.

Những sản phẩm do trẻ tự kỷ tham gia làm được bày bán tại ngày hội. Trẻ tự kỷ hiện được các trung tâm, trường chuyên biệt hướng dẫn học nghề phù hợp với khả năng và phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ “80% người tự kỷ trưởng thành là người thất nghiệp”. 

Sau hai năm theo học tại trường chuyên biệt, từ cậu bé có khuyết tật về vận động, bé Hiếu (quận 7) đã có thể tham gia vào công đoạn dệt sợi để làm nên các sản phẩm thủ công xinh xắn. 

Theo các bác sĩ, tự kỷ là một loạt các rối loạn phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển của não bộ, có thể xảy ra ở bất kỳ các nhân nào và tồn tại suốt đời. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về các kỹ năng xã hội, khó khăn về giao tiếp, hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu phát hiện và can thiệp sớm, tốt nhất là trước thời điểm vàng (3-5 tuổi) trẻ có thể hòa nhập với cuộc sống rất tốt. Thông điệp ngày hội trẻ tự kỷ năm nay là "Hãy đón nhận sự khác biệt của trẻ và giúp trẻ phát triển hết tiềm năng”.

Lê Phương