Chiều 9/10, một bé gái 3 tuổi ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) được chuyển vào khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, nôn, ho liên tục. Theo người nhà, bé uống nhầm dầu hỏa đựng trong chai nhựa để thắp đèn dầu bàn thờ. Uống xong cháu ho sặc sụa, rồi nôn thốc nôn tháo nên gia đình vội đưa đi viện.
Dù trẻ chưa có dấu hiệu gì nguy hiểm nhưng các bác sĩ vẫn quyết định cho nhập viện theo dõi. Lý do là khả năng bé bị hội chứng viêm phổi do hóa chất sau 24-48 giờ hít phải hóa chất là rất lớn.
Trước đó 2 ngày, một bé trai 4 tuổi ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng uống nhầm dầu hỏa, bị viêm phổi và hiện vẫn được điều trị tại khoa. Theo gia đình, khoảng 100 ml dầu hỏa đựng trong chai nhựa, bé tưởng nước nên uống một ngụm sau đó thì ho sặc sụa. Gia đình đã cho con xúc miệng nước muối nhưng bé vẫn ho khan liên tục, khó thở… nên đưa vào viện.
Tuần trước đó, một bé trai hơn 3 tuổi được Bệnh viện huyện Hải Hậu (Nam Định) sơ cứu rồi chuyển lên. Sang nhà bác chơi, thấy chai nước để ngay dưới gầm bàn, nghĩ là nước bé liền cầm lên tu. Đến khi bé nôn mửa liên tục, gần như xỉu đi, người lớn chạy đến mới phát hiện bé uống nhầm chai axit người bác mua để đổ bình ắc quy. Rất may đây là loại axit loãng, tính ăn mòn không cao nên bé không bị loét, thủng thực quản. Dù vậy, bệnh nhi vẫn phải nhập viện theo dõi và uống thuốc bảo vệ dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những tai nạn trong sinh hoạt như trên không hiếm gặp. 3 ca tai nạn trên đều chưa gây hậu quả nguy hiểm vì hóa chất đựng trong chai lọ chưa đến mức gây độc. Thực tế, đã có trẻ tử vong vì người lớn để thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… trong những vỏ chai nhựa bắt mắt.
"Người Việt Nam có thói quen rất nguy hiểm là hay tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, nước uống để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít… Điều này rất nguy hiểm, trẻ nhỏ vốn hiếu động, thấy những chai nhựa bình thường đựng nước có thể cầm uống vội vàng mà không ý thức được bên trong chai chứa dung dịch gì", bác sĩ Nam nói.
Phương Trang