Arga học trường nội trú và thường được bố mẹ gửi đồ ăn nhà làm. Rồi một ngày, chẳng còn hộp đồ ăn nào được gửi đến, cậu bé lo lắng gửi thư cho mẹ. "Mẹ ốm sao mẹ? Gọi con khi mẹ ổn nhé. Con ở đây khỏe nên mẹ đừng lo lắng. Con vẫn còn 133.000 rupiah trong tài khoản".
Thế nhưng, mẹ Arga chẳng còn cơ hội đọc lá thư đầy yêu thương của con trai. Cậu bé không hề hay biết mình đã mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19.
"Cha Arga mất hôm thứ năm, nó không biết vì chúng tôi không dám thông báo. Rồi hai ngày sau, mẹ nó cũng ra đi", Leo Nita, dì của Arga nói. Giờ đây, 4 anh em Arga, có 2 bé mới 9 và 4 tuổi, phải tự mình lo liệu cho tương lai không còn bố mẹ.
Tại một ngôi nhà ở New Delhi, Ấn Độ, Pratham, 5 tuổi, luôn miệng hỏi mọi người bố mẹ đâu khi mãi chẳng thấy họ về nhà. Có lẽ Pratham và em trai Ayush mới 10 tháng tuổi còn quá nhỏ để hiểu được chuyện đã vĩnh viễn mất đi cả cha lẫn mẹ vì Covid-19 chỉ trong vài ngày. Giờ đây, cả hai đứa trẻ phải trông chờ vào tin tức của các tổ chức nhận nuôi trẻ mồ côi.
Câu chuyện của Arga hay Pratham không phải cá biệt trong thời kỳ đại dịch. Tổ chức Save the Children (STV) hồi tháng 7 đã kêu gọi cộng đồng cung cấp thông tin về các trường hợp trẻ mồ côi vì Covid-19 và giúp kết nối với người thân của các em. Một thế hệ trẻ mồ côi mới đã xuất hiện vì Covid-19 trên khắp thế giới. Theo một nghiên cứu hồi tháng 7, Covid-19 đã cướp đi ông bà, bố mẹ, những người nuôi dưỡng chính của khoảng 1,5 triệu trẻ em toàn cầu.
"Cứ hai ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới là thêm một đứa trẻ bị bỏ lại, bị ám ảnh bởi cái chết của bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng. Số trẻ mồ côi vì Covid-19 đang tăng theo diễn tiến đại dịch. Chúng ta cần ưu tiên nhóm trẻ em này và hỗ trợ các em nhiều năm tới", Susan Hillis, chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cảnh báo trong nghiên cứu.
"Chúng ta cần hành động nhanh vì cứ 12 giây trôi qua lại thêm một đứa trẻ mất đi người chăm sóc vì Covid-19", Lucie Cluver, chuyên gia Đại học Oxford, đồng tác giả nghiên cứu về trẻ mồ côi trong đại dịch, cảnh báo.
Hillis cùng các cộng sự đánh giá vấn đề trẻ mồ côi vì Covid-19 chưa được các nước phát triển nhận thức đúng mức, đặc biệt về góc độ người nuôi dưỡng trẻ.
Người cao tuổi chiếm phần lớn số ca tử vong do nhiễm nCoV và thực trạng ông bà là người chăm sóc chính cho trẻ em khá phổ biến tại các nước. Tại Mỹ, 40% người cao tuổi sống cùng cháu là người chăm sóc chính. Tại Anh, khoảng 40% người cao tuổi trên cả nước tham gia chu cấp cho cháu.
"Trình trạng trẻ mồ côi và mất người nuôi dưỡng là một đại dịch ngầm, hệ quả từ số ca tử vong cao liên quan đến Covid-19", nhóm chuyên gia quốc tế nhấn mạnh.
Đại dịch khiến việc chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ mồ côi vì Covid-19 nói riêng thêm khó khăn. Các biện pháp hạn chế ngăn virus lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là lệnh ở yên trong nhà, làm suy giảm đáng kể năng lực can thiệp và hỗ trợ trẻ em của chính quyền lẫn các tổ chức liên quan.
Giới chuyên gia lo ngại số trẻ em mồ côi trong đại dịch trên thực tế có thể cao hơn con số trong nghiên cứu.
Trước khi biến chủng Delta bùng phát ở hàng loạt bang, Mỹ ước tính hơn 113.000 trẻ em mất người chăm sóc trụ cột vì Covid-19. Số trẻ mồ côi vì Covid-19 trên thực tế ở Mỹ có thể đã tăng nhanh trong vài tháng qua.
Tại Indonesia, Bộ Phúc lợi Xã hội yêu cầu các bệnh viện ghi lại thông tin về các thành viên gia đình bệnh nhân, để chính quyền có thể hỗ trợ con cái họ khi cần thiết. Nhưng trong tình cảnh các bệnh viện Indonesia đều quá tải vì Covid-19, cũng như số người qua đời tại nhà ngày càng tăng, việc tìm kiếm trẻ em mồ côi vì đại dịch gặp nhiều khó khăn.
"Vấn đề là quy trình này hoạt động không trơn tru khi ca Covid-19 tăng mạnh. Chúng tôi chỉ nắm được một phần dữ liệu và chúng cũng không được hệ thống hóa", Kanya Eka Santi, giám đốc cơ quan hỗ trợ trẻ em tại Bộ Phúc lợi Xã hội Indonesia, nói.
Để hỗ trợ trẻ mồ côi vì đại dịch, Mỹ và nhiều nước phương Tây dựa trên Cơ quan Bảo trợ Trẻ em (CPS) nhằm xác minh thông tin về những trẻ mất người nuôi dưỡng. CPS có thể chuyển các em đến nhà họ hàng để chăm sóc, hoặc chuyển đến các tổ chức kết nối với những vợ chồng muốn nhận con nuôi.
Tuy nhiên, Santi, quan chức Bộ Phúc lợi Xã hội Indonesia, cho hay nhiều gia đình vốn gặp khó khăn kinh tế vì Covid-19 nên không thể nhận nuôi trẻ mồ côi, ngay cả khi đó là cháu ruột của họ. Trong những trường hợp đó, giới chức Indonesia chỉ còn giải pháp cuối cùng là đưa các em đến trại trẻ mồ côi.
Một số nước dựa vào cộng đồng để khắc phục "điểm mù" trong hệ thống bảo trợ trẻ em, điển hình là Ấn Độ. Trong giai đoạn đỉnh dịch từ ngày 1/4 đến ngày 25/5, Bộ Phúc lợi Phụ nữ và Trẻ em Ấn Độ ghi nhận ít nhất 577 trẻ trên toàn quốc mất cả bố lẫn mẹ. Con số trên thực tế có thể cao hơn thống kê ban đầu.
"Trong đời mình, tôi chưa từng thấy nhiều người chết trong một khoảng thời gian ngắn đến vậy. Họ có lẽ đã bỏ lại rất nhiều trẻ em dưới 18 tuổi. Đây là vấn đề khẩn cấp toàn quốc", Anurag Kundu, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền trẻ em Delhi, nhận định.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ngày 15/7 đưa vào hoạt động cổng thông tin để người dân thông báo trẻ em mồ côi vì Covid-19. Bộ trưởng Phát triển Phụ nữ và Trẻ em Smriti Irani khẳng định mọi công dân Ấn Độ có quyền "thông báo cho cơ quan chính phủ bất kỳ trường hợp nào đủ điều kiện được hỗ trợ".
Trước đó hai tháng, Ấn Độ thành lập quỹ phúc lợi xã hội đặc biệt dành riêng cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Mỗi trẻ em mất bố hoặc mẹ vì đại dịch sẽ được mở tài khoản 13.600 USD. Số tiền này chỉ được giải ngân khi người hưởng đủ 18 tuổi, chia đều hàng tháng trong vòng 5 năm nhằm hỗ trợ chi phí học đại học. Người hưởng trợ cấp sẽ được rút toàn bộ tiền mặt vào năm 23 tuổi.
Tại Andhra Pradesh, tài khoản ngân hàng được chính quyền và người thụ hưởng cùng đứng tên. Đối với trường hợp trẻ không được nuôi dưỡng trong các trung tâm công lập, lãi suất từ khoản tiền gửi được chuyển hàng tháng cho người bảo hộ, đến khi người thụ hưởng đủ 25 tuổi.
Chính phủ Ấn Độ cũng hỗ trợ chi phí giáo dục và bảo hiểm y tế cho trẻ em mồ côi đến 18 tuổi. Hồi cuối tháng 7, Tòa án Tối cao Ấn Độ đề nghị mở rộng mô hình này cho mọi trẻ mồ côi trong giai đoạn đại dịch, thay vì giới hạn với các trường hợp mất người thân vì Covid-19.
Tại Delhi, lãnh đạo địa phương ngày 6/7 khởi động chương trình trợ cấp đặc biệt cho các nạn nhân Covid-19. Mỗi gia đình có người thân qua đời vì Covid-19 sẽ được hỗ trợ khoảng 680 USD và trẻ mồ côi được đi học miễn phí cũng như nhận hỗ trợ khoảng 34 USD/tháng cho đến năm 25 tuổi.
Bang Karnataka hỗ trợ khoảng 47 USD/tháng cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Trách nhiệm xác minh thông tin trẻ mồ côi được giao cho chính quyền địa phương.
Bidisha Pillai, giám đốc chính sách toàn cầu cho STV và lãnh đạo hoạt động tại Ấn Độ, lưu ý trẻ mất đi bố hoặc mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ vì Covid-19 có nguy cơ cao bị đẩy vào đói nghèo và bị lạm dụng, ngược đãi. Các em có thể phải bỏ học để tham gia thị trường lao động, kẹt trong vòng luẩn quẩn đói nghèo và sa vào nhiều cạm bẫy.
"Không thể để đại dịch có thêm nạn nhân, dù là gián tiếp. Nếu chúng ta không bảo vệ thế hệ này, các em sẽ bị bỏ mặc", bà nhấn mạnh.
Tại nhà một nhân viên bảo trợ xã hội ở Tangerang, ngoại ô thủ đô Jakarta của Indonesia, cô bé 10 tuổi Aisyah vẫn nghẹn ngào khi nhớ lại giây phút cuối cùng còn mẹ.
"Lúc đấy mẹ bị khó thở dữ dội, rồi nằm bất động. Cháu cứ ngỡ là mẹ nằm ngủ, nhưng khi cháu lay, mẹ không cử động", Aisyah kể. Bố Aisyah mất từ trước khi cô bé lọt lòng và không người thân nào liên hệ kể từ khi mẹ Aisyah qua đời, nên nhân viên bảo trợ xã hội Rinamelda quyết định nhận nuôi cô bé.
"Tôi vui vì có Aisyah ở đây. Tôi yêu cô bé, không phân biệt đối xử với các con khác của mình. Ơn trời, cô bé đã chấp nhận và yêu quý chúng tôi", Rinamelda nói. "Tôi muốn Aisyah ở với mình và hoàn thành ước mơ của cô bé".
Ước mơ lớn nhất của Aisyah là làm một công việc để tri ân mẹ. "Cháu mơ ước trở thành một bác sĩ, cháu muốn hoàn thành ước mơ đó, để mẹ có thể hạnh phúc về cháu", Aisyah nói.
Trung Nhân (Theo AFP/CNN/Lancet/Al Jazeera/BBC/Hindu)