Trả lời:
Chào bạn,
Bạn có thể kiểm tra chính xác xem cháu có thực sự mập hơn hay không, bằng cách tính BMI bằng công thức "BMI = cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao (m)". BMI tiêu chuẩn ở trẻ 10 tuổi khoảng 16,5 đến 17,5.
Với trẻ nam và nữ 10 tuổi, BMI lớn hơn mức 18,5 là thừa cân, BMI vượt ngưỡng 21 là béo phì. Khi đó, bạn cần phải có các điều chỉnh lại chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động của cháu cho phù hợp.
Lứa tuổi này là giai đoạn tăng trưởng nhanh, vì vậy nguyên tắc phòng và điều trị cho trẻ thừa cân trong các giai đoạn tăng trưởng là: không ép giảm cân mà giữ nguyên cân nặng, hoặc tăng chậm để cân nặng dần quay về gần giá trị trung bình.
Chính vì vậy, cần điều chỉnh kỹ chế độ ăn để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày, nhưng không dư thừa năng lượng để tránh tăng cân tiếp. Lưu ý, khống chế lượng tinh bột và có chế độ tập luyện thể dục, thể thao, làm việc nhà phù hợp, theo tháp vận động khuyến nghị mà Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra.
Sữa là nguồn cung cấp protein đầy đủ, cũng như cung cấp các vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ ở lứa tuổi này, bao gồm vitamin A, canxi, vitamin D. Vì vậy, vẫn cần tiếp tục cho trẻ sử dụng với số lượng vừa phải mỗi ngày..
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn
Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam