Sau lần bơm tế bào gốc đầu tiên vào ngày 21/3, hiện trẻ tỉnh táo, ăn uống vẫn khó, các cơn co cơ vẫn diễn ra nhưng nhẹ và thưa hơn. Bệnh nhi sẽ được đánh giá định kỳ sau 3, 6 và 12 tháng để biết mức độ thành công trên thực tế của phương pháp này.
Theo lời kể của gia đình, khi được 10 tháng tuổi, bé bị tiêu chảy, sốt cao, co giật, nhiễm trùng huyết không rõ nguyên nhân. Dù được cứu sống nhưng bé bị di chứng bại não, thường xuyên co cứng người, khó thở, không ngồi hay bò được.
Ngày 10/3, bé vào viện trong tình trạng sốt, viêm phế quản, duỗi cứng chân, co quắp hai tay liên tục. Điều trị viêm phế quản đến ngày 21/3, bé được bơm tế bào gốc lần đầu tiên. Lần bơm tiếp theo dự kiến vào 28/3. Sau đó, bệnh nhi sẽ được theo dõi, có thể điều trị lần thứ 3-4, kết hợp các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện cho biết, tế bào gốc được tách chiết sau đó bơm lại vào máu và tủy sống để thay thế tế bào thương tổn, phát triển tế bào não mới và kích hoạt các tế bào bị hư tổn (nhưng chưa chết hẳn).
Đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được ghép tế bào gốc điều trị bại não. Chi phí một ca ghép tế bào gốc ở nước ta khoảng 100-120 triệu đồng, ở ngước ngoài gấp 5-6 lần.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ứng dụng tế bào gốc điều trị bại não khả năng thành công 60-70%, cải thiện rõ nhất là khả năng vận động (thích ứng, hòa nhập với cộng đồng), tiếp đến là khả năng ngôn ngữ và nhận thức.
Bệnh viện đang chuẩn bị cho ca ghép tế bào gốc đầu tiên điều trị bệnh tự kỷ. Phương pháp này đã được Ấn Độ và Trung Quốc thực hiện. Trung Quốc công bố 70% trường hợp là thành công. Mỹ cũng làm nhưng chưa công bố kết quả chính thức.
Ứng dụng tế bào gốc trong y học được coi là giải pháp cho rất nhiều bệnh nan y như ung thư, Parkinson, suy tim... Việt Nam đã ứng dụng phương pháp này để chữa các bệnh lý huyết học như ung thư máu, u lympho, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, đa u tủy xương, Thalassemia...
Phương Trang