Chị Thái (Đặng Tiến Đông, Hà Nội) kể, con gái chị đang học lớp 4 nhưng đã cao 140 cm. Cháu thích chơi các trò của bạn nam như đá bóng, đá cầu nên mỗi lần con kêu đau nhức cổ chân và gối, chị nghĩ do con bị va chạm, ngã. Mãi tới khi con gái thường xuyên than đau, đêm cũng đòi mẹ nắn bóp chân vì nhức không chịu được, chị mới thấy lo. Đưa con đi khám, chị Thái ngạc nhiên khi bác sĩ nói do xương cháu phát triển mạnh nên gây tình trạng đau nhức và kê thuốc bổ sung canxi, dặn dò chị chú ý về chế độ ăn uống, vận động của con.
Có con trai 5 tuổi, chị Trúc (Thái Nguyên) từng rất hoang mang khi bé thường xuyên kêu đau mỏi chân. Đưa con đi khám ở bệnh viện địa phương, bé được chẩn đoán là liệt mềm cấp nửa người và phải nhập viện điều trị. Không yên tâm, chị Trúc tiếp tục đưa con tới Hà Nội khám.
Sau khi hỏi về triệu chứng bệnh và cho bé đi làm xét nghiệm, các bác sĩ xác định cháu bị thiếu canxi. "Cháu có tốc độ lớn nhanh nên lượng canxi của cơ thể không đủ cung cấp để phát triển chiều cao, dẫn đến hay đau chân. Cháu uống thuốc theo đơn bác sĩ và giờ đã ổn rồi", chị Trúc cho biết.
Theo tiến sĩ Lê Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp, Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), đau xương khớp ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến và nguyên nhân thường thấy nhất là do trẻ lớn nhanh, gặp ở các bé đang tuổi phát triển, thường là 4-10 tuổi.
"Có một số bé lớn quá nhanh, có khi 4 tuổi nhưng cao tương đương với trẻ 6 tuổi, hệ xương và cơ không phát triển cùng nhịp, các đầu bám gân, xương chưa chắc chắn, trẻ lại hoạt động nhiều nên thấy đau xương", bác sĩ giải thích.
Theo bác sĩ, thực chất sự phát triển của xương trẻ sẽ không gây đau. Sự nhức mỏi và khó chịu thường là kết quả của việc chạy nhảy, leo trèo suốt ngày của trẻ hiếu động. Một số trẻ đau dậy thì thường là những cơn đau thoáng qua, không đến mức quá đau.
Thông thường, cơn đau tăng trưởng hay xảy ra ở các cơ. Trẻ thường than đau mặt trước của đùi, trong bắp chân, hay sau gối, vào buổi tối. Những trường hợp khớp trẻ bị đau, nóng, đỏ, sưng thì có thể do bệnh lý thực sự, cần đặc biệt chú ý.
Theo một tài liệu y khoa, triệu chứng giúp các bác sĩ chẩn đoán đau tăng trưởng là cách trẻ đáp ứng với việc chạm vào trẻ khi đau. Ở trẻ đau do bệnh lý thực sự sẽ không thích bị chạm vào vì cử động làm tăng cơn đau. Nhưng với trẻ đau tăng trưởng, chúng cảm thấy dễ chịu hơn khi được dỗ dành, vuốt ve và xoa bóp.
Bác sĩ Lê Minh Hương cho rằng, quan trọng nhất là đau xương khớp ở trẻ có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh, trong đó viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao hay sau chấn thương và một số em bị khớp mãn tính do rối loạn miễn dịch. Những trường hợp này nếu không điều trị kịp thời có thể khiến trẻ tàn phế, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống sau này. Vì vậy khi con hay kêu đau xương khớp, đặc biệt nếu kéo dài quá 6 tuần, cha mẹ nhất thiết phải đưa bé đi khám chuyên khoa để bác sĩ xác định nguyên nhân, từ đó tư vấn cách điều trị phù hợp.
Sau khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý, nếu xác định trẻ đau xương do lớn nhanh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bố mẹ cách điều trị phù hợp, dựa vào thể tạng của từng trẻ. Những trường hợp này, trẻ cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nếu phát hiện thiếu canxi cần được bổ sung kịp thời.
Vương Linh