Tôi lướt qua số liệu thống kê gần đây cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.
Đáng nói, các hành vi bạo lực càng ngày càng nặng nề. Tôi càng rùng mình hơn nữa, khi nhiều người, họ đề nghị hạ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự xuống 14 tuổi, thậm chí 12 tuổi. Họ bức xúc, nhưng dường như không nhìn vào bản chất vấn đề.
Theo một nghiên cứu, nguyên nhân diễn ra tình trạng bạo lực học đường do "Học sinh chủ yếu là những đối tượng từ 12 - 17 tuổi đang trong quá trình học tập và biến đổi về thể chất, mặt tâm sinh lý, trong giai đoạn này sẽ hình thành nên tính cách của con người.
Tôi cho rằng nhận định này có vẻ chưa chính xác.
Thứ nhất, thực chất, ngay từ mẫu giáo, tiểu học, một số học sinh đã có xu hướng bắt nạt, bạo lực. Tuy nhiên, dường như người ta đang xem nhẹ giai đoạn này, như "trẻ con biết gì?".
Theo các nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn từ 6 - 10 tuổi, hầu hết trẻ đã hình thành nhân cách, nếp sống, thói quen và có những hành vi tự khép mình vào các quy tắc xã hội mà bản thân đã chấp nhận.
Mối quan hệ ruột thịt cũng dần dần chuyển sang mối quan hệ xã hội với thầy cô và bạn bè. Nghĩa là trong giai đoạn này, hầu hết các bé đều đã chuyển sang tương tác với môi trường xã hội, hoàn toàn xa lạ với những quy tắc trong gia đình. Bước đi đầu tiên cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, gần như chưa có một giáo trình cơ bản nào hướng dẫn giáo viên cấp mần non, tiểu học có thể giúp trẻ hiểu rằng: Không nên sử dụng bạo lực, thậm chí, không ít trường hợp trẻ lại trở thành nạn nhân của chính những người dạy dỗ mình.
Bạo lực học đường thường bắt đầu bằng những hành vi cực kỳ nhỏ nhặt ngay khi các bé chỉ vài ba tuổi: trêu chọc, kỳ thị bạn, cô lập bạn, giành đồ ăn và thức uống, giành chỗ ngồi, giành đồ chơi...
Đáng nói, các hành vi như tôi đã ví dụ bên trên, gần như đều bị nhà trường và gia đình coi nhẹ. "Trẻ con nó tranh với nhau bình thường, trẻ con nó biết cái gì".
Từ đó, không có những cảnh báo, điều chỉnh đủ để thay đổi các hành vi ngay khi nó vừa bắt đầu. Chính vì vậy, các bé nghĩ rằng, đây là những điều hết sức bình thường, và không có gì sai trái.
Theo thời gian, bé hình thành nhân cách theo cái niềm tin sai trái đó. Và các hành vi bạo lực sẽ càng ngày càng lớn dần theo độ tuổi, thói quen, sở thích. Tôi cho rằng, để từng bước hạn chế và tiến đến chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường, phải ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu các phương pháp - các giáo trình hướng dẫn cho giáo viên ngay từ bậc mẫu giáo.
Giáo trình phải khoa học và phù hợp nhằm giúp giáo viên giải quyết một cách thỏa đáng nhất ngay cả những tranh chấp nhỏ xíu của trẻ. Phải làm ngay, bây giờ mới kịp.
Người xưa có câu: "Tre non dễ uốn". Tôi hoàn toàn đồng ý với câu này, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Mỗi đứa trẻ chỉ có một vài năm để "uốn". Còn, khi đến độ tuổi 12 - 17 tuổi thì rất, rất khó uốn.
T H I N 1.