Hơn một tháng nay, cậu con trai 6 tháng tuổi nhà chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cứ ra rồi lại vào bệnh viện. Mới đầu bé bị viêm phế quản co thắt, uống nhiều đợt kháng sinh, thậm chí tiêm mà cũng không khỏi hẳn, tái đi tái lại. Cứ khỏi được một tuần là chị lại thấy con ho, sốt, khó thở.
"Hôm nay đi khám, bác sĩ chẩn đoán con bị hen phế quản. Ngày nào cũng thuốc, chưa kể còn phải khí dung, mỗi lần như thế đánh vật với con. Không biết hết thuốc thì con có khỏi không hay lại thành hen mãn tính thì mệt", chị Mai nói.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ, giống như con chị Mai, vài tuần nay số trẻ đến khám vì bị hen hoặc lên cơn hen có xu hướng tăng khoảng 30% vì thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày (đêm và sáng lạnh, trưa và chiều nóng). Kiểu thời tiết này tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, gây bệnh ở trẻ nhỏ vốn khó thích nghi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong các yếu tố nghi ngờ khởi phát cơn hen cấp ở trẻ thì đứng đầu là do thay đổi thời tiết, các viêm nhiễm đường hô hấp trên, sau đó là do các hoạt động gắng sức...
Thay đổi thời tiết là yếu tố nghi ngờ khởi phát cơn hen phổ biến ở trẻ. Ảnh: P.N. |
Khi lên cơn hen, trẻ có biểu hiện khò khè, khó thở (thở ra khó khăn, kéo dài, thở nhanh hay co lõm lồng ngực). Cơn hen cấp nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và khiến trẻ tử vong. Vì thế, lúc này, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). Nên đưa con tới bệnh viện ngay khi trẻ không bớt khó thở hoặc chỉ giảm tạm thời sau dùng thuốc cắt cơn. Đặc biệt lưu ý khi trẻ nói khó nhọc, không thể nói thành câu liên tục, phải ngồi thở, co kéo vùng chung quanh xương sườn và vùng cổ, tím tái..., phó giáo sư Dũng cho biết.
Để phòng bệnh, theo bác sĩ Dũng, cha mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố kích thích cơn hen như: phấn hoa, bụi, khói, lông thú động vật... Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, chú ý đề phòng và chữa sớm những nhiễm khuẩn hô hấp như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng... Những bệnh nhiễm khuẩn này thường làm cơn hen tái phát.
Ngoài ra, cần cho trẻ tránh xa khói thuốc lá. Nếu người lớn hút thuốc trong nhà sẽ khiến tình trạng hen của trẻ nghiêm trọng hơn. Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng... Phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ.
Việc ăn uống cũng dễ khiến trẻ bị hen, như ăn các thức ăn nhanh có hóa chất, phụ gia... Nếu sau khi ăn thứ gì đó mà trẻ thấy khó chịu, ho, nổi mề đay, khó thở thì nghĩa là trẻ dị ứng với thức ăn đó và cha mẹ nên tránh. Còn khi bé không có biểu hiện gì thì ăn uống bình thường. Không nên kiêng hoàn toàn tôm, cua cá biển nếu trẻ không bị dị ứng, vì như thế bé sẽ bị thiếu dinh dưỡng.
Đặc biệt, cha mẹ cũng cần dự phòng hen cho trẻ, cụ thể đăng ký kiểm soát hen lâu dài cho bé tại một một cơ sở chuyên khoa (ít nhất là 18 tháng). Trong thời gian này, dù con không bị lên cơn hen thì vẫn phải được khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy con có vẻ đỡ lại không đưa tới khám nữa. Bề ngoài trẻ không có triệu chứng gì nhưng bệnh hen vẫn tiềm ẩn trong cơ thể và có thể dễ dàng khởi phát bất cứ lúc nào.
"Hiện nay, cả Tây y lẫn Đông y đều chưa thể chữa dứt hen. Tuy vậy, có thể kiểm soát tốt bệnh, giúp bệnh nhân ít hay không lên cơn, không nhập viện, đặc biệt có thể giảm được tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra", phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông thì gia đình nào tuân thủ đúng chỉ định thì hiệu quả điều trị tốt. Nếu có điều kiện thì cho con đi khám 1 tháng một lần, nếu không thì 3 tháng một lần trong trường hợp bé khỏe mạnh bình thường.
Phương Trang