Lạc rang là một trong những món ăn cần cẩn trọng khi cho trẻ ăn vì gây hóc. Ảnh: Corbis.com. |
Tại bệnh viện đa khoa huyện, nạn nhân rơi vào tình trạng tím tái toàn thân, nhịp thở yếu ớt, tim gần như ngừng đập. Các bác sĩ phải đục thủng cổ họng và mổ cấp cứu tích cực mới cứu sống được nạn nhân.
Cách đây không lâu, các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Tiền Giang, cũng đã tiếp nhận một cháu bé nhập viện trong tình trạng tím tái khó thở vì hai hạt lạc (đậu phộng) chui luôn vào phế quản.
Tại phòng cấp cứu, bé trong tình trạng không bắt được mạch, không đo được huyết áp, ngưng thở, ngưng tim, tím tái toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm thanh quản cấp trên, nghi ngờ có dị vật đường thở. Bệnh nhi phải được chuyển đến phòng mổ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM.
Nghiêm trọng hơn, ngày 15/10, lén mẹ ăn quả hồng xiêm (sabôchê), cháu bé 2 tuổi rưỡi, nhà ở huyện Nhà Bè, bất ngờ bị hóc hạt. Mẹ cháu hoảng loạn, dùng tay móc miệng nhưng không có kết quả. Trên đường đưa đến bệnh viện, bé trở nên tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, do tình trạng ngạt quá lâu, bệnh nhi đã không qua khỏi.
Báo cáo tại nạn thương tích ở trẻ từ năm 2005-2008, các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu của hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết, mỗi năm, có đến hàng trăm ca hóc dị vật nhập viện, trong đó không ít ca ngạt thở trầm trọng do hóc hạt trái cây.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, khi hóc hạt, hạt sẽ rơi vào thanh quản, khí quản, phế quản gây ngạt. Hạt to có thể gây ngạt cấp, khiến trẻ ngạt thở tức thời. Hạt nhỏ cũng gây ngạt, hiện chậm hơn nhưng cũng dễ gây tắc thở.
Hậu quả của tai nạn hóc dị vật theo bác sĩ Anh là rất khó lường. Nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do bị ngạt khí. Nhiều trường hợp thoát chết nhưng cũng để lại di chứng do ngưng tim kéo dài dẫn thiếu oxy não, gây liệt một phần não.
Theo bác sĩ Anh, nguyên nhân khiến trẻ bị hóc dị vật thường do cha mẹ hoặc vô ý để trái cây có hạt trong tầm với của trẻ, hoặc một số cha mẹ chủ quan không lấy hạt ra trước khi cho trẻ ăn. Ngoài hạt trái cây thì hạt cơm, hạt củ quả, thậm chí hạt cháo cũng có thể gây ngạt trong trường hợp trẻ khóc mà người lớn cứ cố đút thức ăn khiến trẻ bị sặc.
Một nguyên nhân khác theo bác sĩ Anh, dễ khiến trẻ nguy kịch hơn, thậm chí tử vong, là sau khi đã bị hóc hạt, người lớn vì quá hoảng sợ vội dùng ngón tay cho vào miệng trẻ để móc. "Đây là điều tối kỵ bởi dị vật sẽ bị đẩy sâu vào trong hơn", bác sĩ Anh, nói.
Theo bác sĩ Anh, khi tai nạn xảy ra, người lớn cần hết sức bình tĩnh. Đối với trẻ lớn, phụ huynh đứng sau lưng vòng tay ôm qua người trẻ, sau đó dùng nắm tay ấn nhanh và mạnh vào vùng trên của bụng trẻ ngay dưới mũi xương ức. Đối với trẻ nhỏ, nên cho trẻ nằm sấp đầu hơi chúi thấp và vỗ mạnh vào lưng trẻ.
"Các thủ thuật này sẽ tạo một luồng hơi mạnh từ phổi giúp tống dị vật ra ngoài. Sau đó có thể cần hà hơi thổi ngạt nếu trẻ vẫn chưa tự thở trở lại và sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Anh, nói.
Tuy nhiên cũng theo ông Anh, việc phòng ngừa tai nạn vẫn là cần thiết nhất. Ngoài việc để trái cây có hạt hoặc các vật nhỏ như đồng xu, cúc áo... xa tầm tay của trẻ, khi cho trẻ ăn những loại trái cây có hạt người lớn nên lấy hết hạt. Việc nhắc trẻ không nên vừa ăn vừa nói chuyện hoặc đùa giỡn, theo bác sĩ Anh cũng thực sự cần thiết.
Một số động tác xử trí tại nhà khi trẻ bị hóc dị vật:
Phụ huynh đứng phía sau hoặc quì tựa gối vào lưng trẻ, vòng 2 tay ngang thắt lưng, đặt một nắm tay vùng hõm ức, bàn tay kia đặt chồng lên rồi đột ngột ấn mạnh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên 5 lần liên tiếp. |
Với trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. |
Thiên Chương