Rất may, do đưa đến bệnh viện kịp thời nên sau 2 giờ các bác sĩ đã lấy được chiếc ốc vít ra và cứu sống cháu. Còn chị Lan, ở xóm Cầu Ngang (Lý Nhân, Hà Nam) phải đưa con đi cấp cứu hôm Mùng một Tết vì vừa tiếp khách vừa cho con ăn bột khiến cháu bị sặc.
Cháu Lê Văn Xích (14 tuổi) bị chú cún ở nhà cắn vào tay khi đang bơm sữa cho nó. Gia đình chủ quan không đưa cháu đi tiêm phòng vì cho là chó nhà, lại mới mua. Chỉ khi nó cắn thêm anh trai, bà nội, bố và mẹ Xích, mọi người mới biết con chó bị dại và đi tiêm. Nhưng với Xích đã muộn, một tháng sau cháu lên cơn dại và tử vong.
Trường hợp ba cháu bé trên đây chỉ là vài ví dụ trong số nhiều trẻ bị tai nạn, thậm chí tử vong ở nhà, được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương về phòng chống tai nạn thương tích đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, mọi người thường không nhận thức hết được những nguy cơ tiềm ẩn trong nhà với trẻ. Chỉ trong vòng 2 phút với một xô nước nhỏ cũng có thể làm trẻ chết đuối hay một quả trứng nhựa đồ chơi cũng có thể gây tử vong như một trường hợp gần đây tại một trường mẫu giáo tại Hà Nội.
Ngoài ra, trẻ có thể bị chết đuối, bỏng, ngã, điện giật, thương do vật sắc nhọn gây ra... Trong đó đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Y Duyên, cán bộ phụ trách Chương trình phòng chống tai nạn thương tích của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc: "Hầu hết các trường hợp trẻ chết đuối đều có thể phòng tránh được nếu như mọi người có ý thức. Không chỉ ao, hồ mà ngay cả chum đựng nước, giếng nước nếu không đậy nắp cẩn thận cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ. Đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi sức yếu nên rất dễ bị ngạt thở".
Chỉ với một việc làm hết sức đơn giản là làm hàng rào nếu nhà gần ao, hồ, đậy nắp với chum vại, bể nước, chậu đựng nước..., là có thể tạo cho trẻ một môi trường an toàn khi chơi, bà Duyên cho biết.
Tổ công tác của bà từng nghi nhận trường hợp một cháu bé 2 tuổi bị tử vong do ngã xuống con mương ngay cạnh nhà. Lúc đó mẹ cháu đang mải lúi húi nấu cơm dưới bếp, chỉ rời mắt khỏi con có 2 phút quay đi quay lại đã không thấy con đâu.
"Ngay trong đợt mưa vừa rồi tại Hà Nội, nếu như chúng ta lường trước hết được nguy cơ thì có lẽ đã không xảy ra những cái chết thương tâm do ngã xuống hố ga, cống rãnh sâu hay không biết đâu là đường đâu là hồ. Tôi thấy rất bức xúc và cũng thấy đau xót, vì chỉ cần một biện pháp hết sức đơn giản là đặt các biển báo nhưng sẽ an toàn hơn rất nhiều", bà Duyên nói.
Theo các chuyên gia của Dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, khi có lũ, lụt ngập úng nặng, người lớn cần đặc biệt quan tâm đến trẻ, nên cho trẻ chơi và sinh hoạt ở những nơi an toàn, nên đưa đón trẻ đi học hằng ngày.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, 25% tổng số trường hợp tử vong là do tai nạn thương tích, gần gấp đôi so với số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
Nam Phương