Tại hội thảo về quản lý và điều trị chứng biếng ăn của trẻ em tổ chức ngày 24/5, bác sĩ Huỳnh Thị Duy Hương, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, nhấn mạnh đến giá trị gia đình trong việc cải thiện chứng biếng ăn của trẻ. Với những gia đình bận rộn thì rất khó vì quá trình này đòi hỏi phải lâu dài, kiên nhẫn. Trẻ biếng ăn thường do nhiều nguyên nhân đến từ trẻ hoặc từ cha mẹ. Trẻ kén ăn, sợ ăn có thể do sợ món mới, do ám ảnh như hóc xương, sặc... Phải xác định được đâu là vấn đề để có giải pháp phù hợp với từng trẻ.
Theo bác sĩ Duy Hương, nguyên tắc để trẻ biến món ăn không ngon miệng thành ngon miệng là trẻ phải đói. Điều này cần phải có sự thống nhất của cả gia đình. Nhiều phụ huynh xót con nên cho con ăn bất cứ giờ giấc nào. Nhiều trường hợp khi người mẹ để trẻ đói thì những thành viên còn lại phản đối, gây áp lực. Đứa trẻ phải đói bụng, phải ngồi nhìn tất cả mọi người ăn uống, nhai nuốt để kích thích ngon miệng và cha mẹ phải làm gương để tập thói quen ăn uống. Điều này đòi hỏi cả gia đình phải có bữa cơm chung, không được xao lãng, không được mở tivi mà phải tập trung vào bữa ăn, bố trí giờ giấc ăn uống hợp lý. Bữa ăn không được kéo dài quá nửa tiếng, không ép trẻ ăn mà phải kiên trì hướng dẫn.
"Cần phải để trẻ thấy được tất cả mọi người trong nhà đều ăn uống như mình chứ không riêng mình trẻ bị ép ăn. Việc bế trẻ ra đường, cho trẻ xem tivi để dỗ trẻ ăn sẽ chỉ khiến kéo dài thêm chuỗi ngày biếng ăn", bác sĩ Hương phân tích.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết, chứng biếng ăn ảnh hưởng đến khoảng 35% trẻ em tại Việt Nam. Việc phát hiện sớm có thể giúp các bậc phụ huynh tìm được cách can thiệp dinh dưỡng hiệu quả nhất. Đó có thể là thay đổi thực đơn, phương pháp phổ biến đang được áp dụng, hoặc đòi hỏi những phương án điều trị khác.
Trong thời kỳ 1-5 tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ rất cao để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của cơ thể. Nhu cầu dinh dưỡng càng tăng khi trẻ đau ốm hoặc mắc các bệnh viêm nhiễm. Theo thống kê, 25-45% trẻ em nói chung gặp khó khăn trong ăn uống. Tỷ lệ này lên đến 80% ở nhóm trẻ chậm phát triển và 40-70% đối với trẻ mắc bệnh mãn tính.
Trẻ biếng ăn, kén ăn thường tiêu thụ ít hơn các chất dinh dưỡng và năng lượng so với mức cần thiết, dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển thể chất và nhận thức của trẻ, khiến trẻ không bắt kịp đà tăng trưởng so với bạn bè cùng trang lứa. Trẻ thiếu hụt dinh dưỡng khi trưởng thành thường kém phát triển trí tuệ, tầm vóc nhỏ, kiếm tiền ít, dễ mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp.
Lê Phương