Trả lời:
Virus dại tồn tại trong nước bọt của chó, mèo, có thể lây nhiễm cho người do liếm vào vết thương hở, vết trầy xước, niêm mạc mắt, mũi, miệng...
Khi con bạn bị chó liếm vào mắt hoặc vô tình bị nước bọt của con vật bắn vào, nguy cơ bệnh dại tương đối thấp. Trẻ vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh nếu con vật chưa tiêm ngừa dại hoặc bị bệnh. Bạn cần đưa trẻ đi khám, tư vấn và tiêm vaccine dại càng sớm càng tốt. Lịch tiêm gồm 5 mũi trong 28 ngày vào các ngày 0-3-7-14-28.
Trong thời gian 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh, bình thường, bác sĩ có thể chỉ định tiêm 3 mũi và dừng chủng ngừa các mũi tiếp theo. Nếu con vật không mắc bệnh dại, tiêm vaccine cũng giúp con bạn có kháng thể phòng bệnh. Trường hợp bé bị cào, cắn lần sau, nếu đã tiêm 3 mũi vaccine, bé chỉ cần tiêm thêm 2 mũi mà không cần tiêm huyết thanh.
Dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương. Người bệnh dại có các triệu chứng lâm sàng điển hình như đau đầu, sốt, mệt mỏi, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, liệt dây cơ hô hấp dẫn đến tử vong.
Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng, vị trí vết thương. Vết thương ở đầu mút các chi hoặc gần đầu, mặt, cổ, thời gian ủ bệnh dại càng ngắn.
Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ), tiêm bắp hoặc tiêm trong da. Đây là vaccine dại thế hệ mới sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ nhằm tăng độ tinh khiết, không chứa tế bào thần kinh, nên người tiêm hoàn toàn yên tâm về độ an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.