Vivek Murthy, 45 tuổi, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ, cho biết ông và vợ đã quyết định chờ con học trung học mới cho dùng mạng xã hội. Ông đánh giá "khủng hoảng vị thành niên" là giai đoạn nhạy cảm và nhiều rủi ro trong quá trình phát triển trí tuệ, nhân cách của trẻ. Chúng dễ bị áp lực, định kiến, so sánh và tự ti với bạn bè cùng trang lứa.
Luật liên quan đến quảng cáo, thu thập dữ liệu của Mỹ cho phép trẻ từ 13 tuổi trở lên được dùng ứng dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữ khủng hoảng sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên với việc dùng mạng xã hội. Murthy cho rằng đây là thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và là rủi ro của thời đại.
WSJ dẫn nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ dưới 16 tuổi nên tránh xa TikTok, Instagram, Snapchat... tương tự cấm điều khiển xe cơ giới. Vỏ não trước trán chịu trách nhiệm kiểm soát xung lực và ra quyết định nhưng trước 25 tuổi, nó vẫn chưa phát triển đầy đủ. Điều này dẫn đến nhiều bi kịch do trẻ bị thao túng bởi các trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội.
Carl Marci, bác sĩ chuyên khoa tâm thần tại bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston, cho rằng việc tiếp xúc sớm mạng xã hội khiến quá trình bị tiêm nhiễm tư tưởng độc hại diễn ra nhanh đến mức "không có cách nào dừng lại". Nhưng đến năm 16 tuổi, vỏ não của con người đã bắt đầu nhận thức được nhiều vấn đề. Marci ví việc dùng mạng xã hội trước 16 tuổi nguy hiểm như đặt trẻ em sau vô lăng ôtô.
Marsha Blackburn, bà ngoại của ba đứa trẻ, nói: "13 tuổi quá trẻ để dùng mạng xã hội. Cha mẹ nên tự quyết con mình dùng TikTok, Instagram lúc nào thay vì chiếu theo luật". Bà cho rằng các công ty truyền thông xã hội cần thiết lập nhiều hàng rào bảo vệ hơn cho thanh thiếu niên.
Mỗi độ tuổi của trẻ có một ý nghĩa khác nhau, nhưng các công ty truyền thông xã hội đang đối xử với trẻ 13 tuổi như người lớn. Năm 1998, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng nhằm ngăn các công ty thu thập và phổ biến dữ liệu về người dưới 13 tuổi. Vì vậy, các nhà phát triển đã tận dụng nó như một độ tuổi quan trọng để cho phép trẻ tạo tài khoản, đặc biệt là với các dịch vụ có gắn quảng cáo.
Tuy nhiên, một số người cũng lo ngại nếu chờ đến 16 tuổi mới được dùng mạng xã hội, trẻ có thể bị thiếu hụt giao tiếp xã hội cơ bản so với bạn bè đồng trang lứa. Việc này không đơn thuần là quyết định gia đình mà còn liên quan đến nhà trường, xã hội để đảm bảo trẻ không thấy mình bị lạc lõng, bắt nạt và chế giễu.
Khương Nha (theo WSJ)